Chuyện mạng tuần qua: Đừng khóc cho đội tuyển Việt Nam

Sự hoài nghi là thứ thuốc độc có thể giết chết những nỗ lực, nhất là khi vết chàm bán độ vẫn ám ảnh nền bóng đá, đến độ cứ sau một trận thua là mời công an vào điều tra như sau thất bại trước Malaysia
Chuyện mạng tuần qua: Đừng khóc cho đội tuyển Việt Nam ảnh 1Sự xả thân của Văn Quyết, Công Vinh đã bị quên lãng chỉ sau một thất bại (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Đội tuyển Việt Nam tạo ra một niềm vui lớn cho hàng triệu cổ động viên khi thắng đội tuyển Malaysia 2-1 ở bán kết lượt đi AFF Cup trên sân khách. Nó gợi nhớ năm 2008, khi chúng ta đăng quang chính tại giải đấu này với nỗi hân hoan xuống đường của hang triệu người hâm mộ cả nước. Và khi Malasysia mới là quốc gia góp mặt đội bóng ở chung kết sau một đêm khó hiểu ở Mỹ Đình, bỗng dưng tôi phát hiện hàng triệu người đang mất mát…


"Don’t cry for me, Argentina!" (Đừng khóc cho tôi, Ác hen tin na!) là tên lời bài hát bất hủ. Hãy thay tên quốc gia, và những người đang khóc sẽ hiểu. 

Những giọt nước mắt của các tuyển thủ đã rơi, những giọt nước mắt trên sân Mỹ Đình đã rơi, và còn bao nhiêu giọt nước mắt khác rơi trên dãy đất hình chữ S khi chứng kiến đội tuyển Malaysia trả lại chúng ta gấp đôi số họ phải nhận ở lượt đi. Lúc ấy bỗng dưng tôi nghĩ về những… đồng nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao. 

Thể thao là thứ dễ viết, nhưng viết hay rất khó! 

Tôi bỗng nhớ về lời bình luận trong trận đấu nói trên của một bình luận viên nổi tiếng với những phát ngôn bất hủ để cả cộng đồng mạng tốn hơi “ném đá”. Anh bình luận về một hậu vệ mắc nhiều sai lầm cứ như hậu vệ ấy là nguồn cơn của trận thua thảm họa. Rồi tiếp sau đó là tuyên bố xanh rờn của ông chủ tịch Liên đoàn bóng đá khi đề nghị cơ quan công an vào cuộc, biến mặt báo và diễn đàn dư luận trở thành một thứ tòa án vô hình.

Cách bình luận, những lời tuyên bố ấy có thể “giết chết” tương lai một cầu thủ hay có thể giết chết (vâng, giết chết, theo nghĩa đen của nó) với một con người. “Lời nói, đọi máu” và cá nhân tôi từng biết có những doanh nghiệp, có những con người có thể chết vì một bài báo và ở đó, họ hay người thân của họ, được miêu tả như một tội đồ.

Vẫn là trận thua tai hại ấy, bỗng dưng tỉ lệ đăng tin bán xe, bán điện thoại đắt tiền tăng nhanh trên mạng. Nói theo “dân trong nghề” thì nhiều người ham mê cá độ bóng đá đã “xuống xác” trong trận cầu mà đội tuyển Việt Nam ở thế trên cơ toàn diện, ở thế không bao giờ thua. Và khi thua, những người tin vào cuộc tưởng may mà rủi kia chỉ có thể nhìn tài sản đội nón ra đi nhanh hơn nó đến rất nhiều.

Còn hàng nghìn người mua những chiếc áo cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ và băng rôn với dòng chữ “Việt Nam vô địch” đang ngậm đắng ôm hàng không bán được. Lượng hàng hóa ấy bán được không khi có không ít người văng tục khi đội tuyển bại trận hay cực đoan hơn với câu “Tôi không bao giờ xem bóng đá Việt Nam nữa!”. Cái ám ảnh về nỗi thất vọng sau kỳ vọng lớn lắm…

Và những cầu thủ chiến đấu trên sân sẽ nghĩ gì khi VFF tuyên bố mời công an điều tra sau trận thua bạc nhược trên? Nếu ai từng đá bóng sẽ biết nó là một hoạt động không dễ dàng gì và ai dám nói rằng đời mình không mắc sai lầm. Sự hoài nghi là thứ thuốc độc có thể giết chết những nỗ lực, nhất là khi vết chàm bán độ vẫn ám ảnh nền bóng đá, đến độ cứ sau một trận thua là mời công an vào điều tra. Hóa ra làm cầu thủ cũng nguy hiểm lắm! Thắng thì lên mây xanh và công trạng người khác hưởng, thua thì bị điều tra và trách nhiệm do cầu thủ chịu. Giả sử thôi nhé, nếu có cầu thủ bán độ được thì VFF cũng “vô can”?

Mà thôi, cứ bỏ qua hết, giả sử chúng ta thắng hay hòa Malaysia trong trận đấu ấy để rồi vô địch thì sao? Niềm vui ấy như liều doping để tạm quên đi nợ công, quên đi những ông quan có tài sản khổng lồ mà đồng lương công chức không bao giờ dành dụm đủ, quên đi những đứa trẻ cơm không có thịt và đu dây qua sông tìm cái chữ trong sự rình rập của tử thần v.v...  

Tôi chứng kiến không ít những người từng hết lời ca tụng đội tuyển Việt Nam lên tới tận mây xanh sau trận lượt đi, nhưng chính họ cay cú, đay nghiến hay thậm chí văng tục về đội tuyển khi thua trận ở lượt về. Đôi khi thấy bại ấy cũng làm người ta quên đi sự tử tế, tinh thần mã thượng vốn có của thể thao hay đời thường.

"Don’t cry for me, Việt Nam!" Đừng khóc cho tôi, Việt Nam! Hãy khóc cho những thứ chúng ta tưởng mình quên hôm nay, dù thắng hay thua, nhưng sẽ đối mặt vào một tương lai gần…

Bóng đá là một xã hội thu nhỏ. Người tử tế, kẻ tiểu nhân và bọn cơ hội đều có. “Xã hội bóng đá” được hình thành như thế nào đều có lịch sử của nó và xã hội đương thời cũng vậy. 

Nhiều người có thời gian bình phẩm nhan sắc của cô hoa hậu mà không có thời gian vứt rác vào thùng. Họ chăm chú xem vì sao cô ca sĩ lại chia tay đại gia đôla mà quên mất nhà mình đang “cơm không lành, canh không ngọt.” 

Đời mà, còn nhiều chuyện mà đám đông chưa biết. Và vui buồn của triệu người đâu chỉ có bóng đá thôi đâu…/.

Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục