Đại hội thể thao châu Á, ASIAD 17 đang diễn ra sôi động ở Hàn Quốc. Song dường như sự kiện này không thu hút được sự quan tâm của dân mạng Việt Nam.
Lý do có thể vì các vận động viên Việt Nam vật vã mà mới chỉ giành được 1 huy chương vàng, kém xa so với các nước láng giềng Đông Nam Á khác. Hoặc cũng có thể vì ASIAD không có môn "chém gió". Chứ nếu môn này cũng được đưa vào chương trình thi đấu, như cách nói đùa tếu táo của nhiều người, thì Việt Nam chắc hẳn sẽ lọt vào nhóm tranh chấp ngôi vị cao nhất.
Thậm chí, nhiều vị ở xứ ta còn có thể "chém bão" đến cấp 12-13, như một vị tự xưng là hòa thượng nào đó hết khoe mua iPhone 6 Plus lại đến Vertu 600 triệu đồng.
Đương nhiên chả có luật nào cấm nhà tu hành không được sở hữu những món đồ đắt tiền, sắm xe hơi sang trọng, xây từ đường hoành tráng hay... hôn ca sĩ. Nếu luật không cấm, thì với tư cách công dân, nhà sư được thực hiện tất cả những điều đó.
Nhưng theo Patrick Carreé - nhà nghiên cứu và dịch thuật tài liệu Phật giáo - thì mọi pháp tu tập Phật giáo xét đến cùng là rời bỏ "cái tôi" và an tĩnh trong tánh không. Hiểu một cách khác là rời xa "tam độc" (tham, sân, si) vốn là nguồn gốc đau khổ của nhân thế.
Cũng có thể là thầy chỉ "sờ lấy lộc" giúp cửa hàng mà thôi, bởi phàm nhân như hầu hết quần chúng ngồi sau bàn phím chưa xứng tầm để làm điều đó. Mà nếu không cẩn thận còn bị chủ hàng chửi té tát nếu sờ mà không mua, điều thường thấy ở đất thủ đô.
Xã hội cũng chỉ có luật phòng chống tham nhũng chứ không có luật cấm sư trụ trì nhận cúng dường của thí chủ.
Nhưng ai đọc lịch sử Phật giáo lúc khởi nguyên thì hoàn toàn không thấy Phật yêu cầu chúng sinh hướng Phật phải cúng dường, phải đốt vàng mã, phải khói hương nghi ngút...
Giáo hội Phật giáo có thể can thiệp, xử lý bằng các giáo điều đối với một nhà sư nào đó. Tín đồ có thể đánh giá lại về một vị sư nào đó. Xã hội có thêm một góc nhìn khác cho những góc khuất của tôn giáo. Còn người viết thì chỉ dám nghĩ vẩn vơ thay vì đưa ra những nhận xét hùng hồn như đám đông.
Nhân chuyện đám đông, tôi bỗng dưng nghĩ về một "hot boy" thường tự tin khoe nhan sắc và gia cảnh giàu có. Bất ngờ một trang tin giới trẻ tung một bài "điều tra" công phu, lùng tìm tông tích tận ông bà, cha mẹ của cậu chàng này.
Giả sử những phóng viên ấy điều tra được "cô em", "bà chị", ông anh" nào đó "tặng", "gíup" các quan chức có tài sản khủng bằng cách nào thì công cuộc chống tham nhũng sẽ thành công vượt bậc thay vì "không tăng, không giảm". Khi ấy, nông dân cực khổ trên đồng ruộng và công nhân khổ cực trong nhà máy sẽ vui hơn thay vì một đám đông nào đó hả hê khi "hot boy" bị vạch trần khoe mẽ.
Có lẽ thế giới mạng xã hội cần một câu ngạn ngữ mới, ví dụ như "hãy nói tôi biết bạn có gì để khoe, tôi sẽ nói bạn là ai"....
Còn nếu trên Facebook, nhà sư đưa lên những việc làm hoằng dương Phật pháp, tốt đời đẹp đạo và "hot boy" khoe thành tích học tập, hoạt động xã hội; thì tôi sẽ thành người hâm mộ của họ ngay!
"Chém gió" theo cách đó dù sao cũng có ích phần nào, còn hơn là thể loại ngồi bịa ra những bài văn kiểu "Thư gửi bố ở đảo xa"!
Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.