Chuyến thăm của Thủ tướng tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam-Ấn Độ

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 30/7-1/8 sẽ tạo xung lực mới để tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) Mở rộng ở Hiroshima (Nhật Bản), ngày 20/5/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) Mở rộng ở Hiroshima (Nhật Bản), ngày 20/5/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8 tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm lần này, cũng như quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới.

- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ lần này?

Đại sứ Nguyễn Thanh Hải: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Ấn Độ sau 10 năm và là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả Việt Nam và Ấn Độ: Một là, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Ấn Độ - nước bạn bè hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam, một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ ở khu vực và trên thế giới.

Với Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Ấn Độ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 3, thể hiện sự coi trọng của bạn đối với quan hệ hai nước.

Hai là, chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới để tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước được thiết lập năm 2016.

dai su nguyen thanh hai.jpg
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Thủ đô New Delhi, tối 20/9/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ đề ra phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai nước trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn ra những điều chỉnh địa chính trị và kinh tế phức tạp.

Hai bên sẽ tiếp tục củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng ra những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, cơ sở hạ tầng…

Ba là, chuyến thăm cũng là cơ hội để hai nước tăng cường chia sẻ và phối hợp về các vấn đề khu vực, quốc tế và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Ấn Độ, cùng đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian qua và triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Thanh Hải: Quan hệ truyền thống và hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Kể từ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016, quan hệ hai nước đã không ngừng được làm sâu sắc hơn trên tất cả các lĩnh vực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao.

Quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân không ngừng được mở rộng, với nhiều chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, các kênh.

Hợp tác quốc phòng-an ninh, một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, có nhiều bước phát triển theo Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Quan hệ Đối tác Quốc phòng giữa hai nước.

thu tuong phạm minh chinh_tham an do 2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subramanyam Jaishankar. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hợp tác kinh tế có nhiều khởi sắc. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (năm 2016), đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023.

Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics.

Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch đều phát triển tích cực.

Đặc biệt, đến nay giữa hai nước đã có khoảng 60 chuyến bay thẳng một tuần, góp phần quan trọng đưa số lượng du khách Ấn Độ vào Việt Nam tăng mạnh sau đại dịch, đạt gần 400.000 lượt du khách trong năm 2024.

Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ, uy tín quốc tế ngày càng cao và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới trong vài năm nữa. Trong khi đó, tiềm lực và vị thế của Việt Nam cũng ngày càng được tăng cường.

Với sự tin cậy chính trị cao, hai nước đang đứng trước cơ hội rộng mở để hiện thực hóa những tiềm năng hợp tác song phương to lớn trên các lĩnh vực.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục