CIEM: Tình trạng nữ hóa lao động di cư luôn ở mức cao

Di cư tạo ra sức ép về hạ tầng, đời sống xã hội và các vấn đề về giới. Do đó chính quyền địa phương cần chú trọng lập kế hoạch và xây dựng tốt hành trang cho người di cư để không để ai ở lại phía sau.
CIEM: Tình trạng nữ hóa lao động di cư luôn ở mức cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN)

Di cư nội địa là nhu cầu tất yếu của phát triển, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để cấu trúc lại nền kinh tế. Tuy nhiên, di cư sẽ làm tăng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và nảy sinh các vấn đề xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đối với nữ giới.

Báo cáo “Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam,” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho biết “nữ hóa lao động di cư vẫn tiếp tục duy trì và mặc dù xu hướng giảm song tình trạng nữ giới trong di cư luôn ở mức cao.”

Càng gần, nữ giới di cư càng nhiều

Cụ thể, báo cáo chỉ ra tỷ lệ nữ giới di cư trong huyện từ mức 58,2% (năm 1999) tăng mạnh lên 63,6% (năm 2009) và giảm còn 59,3% (năm 2019). Song, tỷ lệ nữ giới di cư giữa các huyện từ mức 55% (năm 1999) tăng lên 56,6% (năm 2009) và tiếp tục duy trì đến năm 2019. Đối với di cư giữa các tỉnh, tỷ lệ nữ giới tăng từ 50% (năm 1999) lên 53,1% (năm 2009) và giảm nhẹ ở mức 52% (năm 2019).

Nhấn mạnh nữ giới luôn chiếm tỷ lệ cao trong di cư dù ở cấp địa giới hành chính nào, tiến sỹ Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM lý giải là do các ngành nghề sản xuất kinh doanh ở Việt Nam sử dụng nhiều lao động nữ hơn nam giới, như dệt may, điện tử và chế biến nông sản.

“Tuy nhiên, xu hướng chung khi điểm đến càng xa nơi xuất cư thì tỷ lệ di cư của nữ giới càng giảm. Nữ giới thường chọn các công việc gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình và đảm bảo an toàn hơn nơi xa. Đối với di cư trong huyện, tỷ lệ nữ giới di cư là cao nhất, tiếp theo là di cư giữa các huyện và thấp nhất là trong di cư giữa các tỉnh,” ông Hòa nói.

Ngoải ra báo cáo cho biết nhóm tuổi lao động di cư tập trung nhiều ở nhóm tuổi 15-54 tuổi, chiếm 95,2% tổng số người di cư trên 15 tuổi. Trong đó, nhóm tuổi 15-24 tuổi chiếm trung bình khoảng 46,8% và nhóm 25-54 tuổi chiếm 48,4%. Luồng di cư lao động tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị và các vùng kinh tế phát triển hơn, trong khi khu vực nông thôn và các vùng kinh tế khó khăn hơn có tỷ trọng người di cư thấp hơn nhiều.

Nảy sinh chênh lệch về giới

Mặt khác, kết quả nghiên cứu từ báo cáo cho thấy hoạt động di cư tác động cả tích cực và tiêu cực lên nơi đến lẫn nơi đi.

Với những địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhu cầu lao động rất lớn, điều đó đã tạo ra lực hút nguồn di cư lao động từ các địa phương khác, đặc biệt là dòng di cư nữ, dẫn đến tỷ suất di cư thuần dương. Song ở chiều ngược lại, những địa phương có quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và cơ cấu nông nghiệp còn lớn, tạo ra xu hướng lao động xuất cư nhiều hơn lao động nhập cư, dẫn đến tỷ suất di cư thuần âm.

Ông Hòa cho biết người di cư giúp bổ sung nguồn lao động quan trọng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nơi đến đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ do nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt và vui chơi giải trí của người di cư. Nhưng, di cư cũng cũng tạo ra sức ép về cơ sở hạ tầng, bao gồm từ cơ sở hạ tầng cứng (nhà ở, điện, nước, giao thông, y tế) đến các cơ sở hạ tầng mềm (là cơ hội tham gia các hoạt động xã hội của nơi đến), an ninh trật tự, tạo ra các cạnh tranh với lao động địa phương đồng thời nảy sinh sự chênh lệch về giới.

Đặc biệt, các địa phương có các khu công nghiệp sử dụng lao động nữ nhiều, sự chênh lệch giới ngày càng trở lên nghiêm trọng. Điều này tác động không nhỏ đến cơ sở hạ tầng vốn còn yếu tại các địa ở Việt Nam như nhà ở an toàn cho nữ giới, nhà trẻ cho con em họ, các khu vui chơi, giải trí... Thêm vào đó, việc nữ di cư đến làm ăn và sinh sống nhiều ở địa phương làm tăng tỷ lệ kết hôn khác quê.

CIEM: Tình trạng nữ hóa lao động di cư luôn ở mức cao ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, việc di chuyển nguồn lao động tới các địa phương khác đã tạo ra nguồn thu nhập đáng kể phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cá nhân người di cư, giúp tích lũy và có một khoản tiền nhỏ gửi về cho gia đình phục vụ chi tiêu và tích lũy đầu tư. Nhưng, nguồn lao động di cư đi nơi khác đã gây ra các áp lực đối với vấn đề xã hội của nơi đi như sự thiếu hụt lao động ở một số ngành/nghề. Các vấn đề xã hội, như gia đình thiếu vắng vai trò của người mẹ/người bố, việc chăm sóc trẻ em phụ thuộc vào ông bà cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả học tập và tâm lý của trẻ em, tăng nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em.

Hơn thế, việc chăm sóc người già ở nơi đi cũng trở thành một vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể, những người già trở lên cô đơn trong ốm đau, thiếu người chăm sóc hoặc không đưa đi chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc xa cách vợ chồng cũng làm tăng tỷ lệ ly hôn ở nơi đi.

Lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào kế hoạch phát triển

Dựa trên những vấn đề nổi cộm, báo cáo nhấn mạnh vào thông điệp: “Các địa phương cần phải lồng ghép yếu tố giới nói chung, giới trong lao động di cư nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.”

Cụ thể, ông Hòa nhấn mạnh với địa phương tiếp nhận nhiều lao động di cư, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít sử dụng lao động, đẩy mạnh các phương án quy hoạch cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho người lao động di cư. Để làm được điều này, các địa phương cần có các kế hoạch phân bổ nguồn thu trở lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người di cư, để đảm bảo tính bền vững của phát triển địa phương.

Đối với các địa phương có nhiều người xuất cư, theo ông Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ cần chú trọng lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mềm, bao gồm các cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện hướng tới bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người già, người cô đơn và xây dựng tốt hành trang cho người di cư để không ai bị bỏ lại phía sau.

CIEM: Tình trạng nữ hóa lao động di cư luôn ở mức cao ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN)

“Nhưng về lâu dài, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, năng suất lao động cao để cải thiện điều kiện kinh tế của địa phương. Vì vậy, đi đôi với phát triển hạ tầng mềm, địa phương cũng cần có các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cứng phục vụ cho việc thu hút nhà đầu tư,” ông Hòa kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục