Lao động nhập cư - Vấn đề nan giải của kinh tế Trung Quốc

Nếu Trung Quốc không tìm ra cách để đưa lao động nhập cư vào thành phố và đảm bảo rằng họ không trở thành công dân hạng hai, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể phát triển bền vững.
Lao động nhập cư - Vấn đề nan giải của kinh tế Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh nghiệm của Trung Quốc thường khác với phần còn lại của thế giới và cũng không khó để nhìn ra con đường cải cách mà kinh tế Trung Quốc nên theo đuổi. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc không sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết.

Trong một bài viết mới đây đăng trên tờ Thượng báo của Đài Loan (Trung Quốc), cựu phóng viên cao cấp của Mỹ thường trú tại Trung Quốc Dexter Roberts cho rằng kinh nghiệm của Trung Quốc thường khác với phần còn lại của thế giới. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã cố gắng che giấu nó, khiến thế giới mất đi khoảng thời gian quý giá để ứng phó với dịch bệnh.

Nhưng sau đó, nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn đại đa số quốc gia khác, Trung Quốc có cơ hội khởi động lại tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy sau khi suy giảm tới 6,8% trong quý 1/2020, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,5% trong quý 4/2020, cao hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Năm 2021, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6%. Nếu không có gì bất ngờ, Trung Quốc không khó để có thể đạt được mục tiêu này. Khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, người dân ở nhiều thành phố của Trung Quốc đã trở lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch xảy ra. Với làn sóng tăng trưởng kinh tế mới, Trung Quốc phải tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vay nợ và phát triển "nền kinh tế tiêu dùng."

Bắc Kinh thúc đẩy chiến lược "lưu thông kép" (hay tuần hoàn kép) để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, hiện chỉ chiếm 40% GDP. Mặc dù Trung Quốc đã phục hồi sau đại dịch, nhưng xét về khía cạnh phần lớn dân số có thu nhập thấp, việc đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng.

[Gia tăng chênh lệch thu nhập giữa lao động nhập cư và lao động bản địa]

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sau khi tính đến lạm phát, đầu tư vào tài sản cố định như bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng 2,9% trong năm 2020. Tuy nhiên, tiêu dùng bình quân đầu người của Trung Quốc lại giảm 4%.

Đồng thời, sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng nhảy vọt, với sản lượng thép thô đạt mức cao kỷ lục 1 tỷ tấn. Nhưng phải thấy rằng đây không hẳn là tin tốt vì mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là kiềm chế sản lượng dư thừa của ngành công nghiệp nặng.

Dưới tác động của đại dịch, người giàu vẫn ngày càng giàu hơn còn cư dân thành thị cũng vẫn gắng gượng duy trì cuộc sống, nhưng cuộc sống của những công nhân đến từ nông thôn (lao động nhập cư) lại rất khó khăn.

Ví dụ, trong quý 2/2020, sau khi tính toán biến động giá cả, tiền lương của lao động nhập cư giảm 9,2%, tiếp tục trong xu hướng giảm lâu dài, còn lương của cư dân thành thị giảm trung bình 0,2%.

Vào năm 2020, mức lương khả dụng trung bình của 20% người giàu nhất Trung Quốc là 80.000 nhân dân tệ (12.000 USD), gấp 10,2 lần mức lương của 20% dân số nghèo nhất. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số này cao gấp 8,4 lần so với Mỹ.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng buộc ngày càng nhiều lao động nhập cư rời khỏi các thành phố và trở về quê hương của họ. Một số là tự nguyện vì thấy cơ hội việc làm ở thành phố ngày càng ít.

Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, một số quan chức vì sợ dịch bệnh lây lan đã cố tình tăng rào cản đối với việc lao động nhập cư quay trở lại thành phố, gây ra tình trạng về quê ép buộc.

Nhiều lao động về quê ăn Tết Nguyên đán trước khi dịch bệnh bùng phát, không ngờ rằng họ sẽ không thể quay trở lại thành phố. Ngày nay, người dân thành thị cũng phản đối việc lao động nhập cư vào thành phố lập nghiệp nhiều hơn.

Vài năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích người lao động nhập cư trở về quê hương để bắt đầu cuộc sống mới, cho dù là khởi nghiệp hay làm thuê. Tính toán đằng sau chiến lược phát triển kinh tế có kế hoạch từ trên xuống này là khi ngày càng có nhiều nhà máy bắt đầu đẩy nhanh việc nâng cấp và tự động hóa dây chuyền sản xuất, không còn cần nhiều lao động nữa. Đồng thời, các thành phố đông đúc không còn sức chứa thêm nhiều lao động nhập cư.

Điều mà Bắc Kinh không xem xét tới là liệu những người lao động nhập cư có sẵn sàng trở về quê hương của họ hay không và nếu về quê, liệu họ có cách nào để tạo dựng sự nghiệp nuôi sống gia đình hay không. Hoặc sau nhiều năm tiêu điều, quê hương họ có thay đổi biến thành nền kinh tế địa phương mang tới cơ hội việc làm cho họ hay không.

Mặt khác, kể từ Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 vào năm 2013, lao động nhập cư đã nghe đi nghe lại các thông báo về việc cải cách hệ thống hộ khẩu, nhưng tất cả đều thất bại. Vì vậy nếu có tin tức mới liên quan, họ cũng bỏ qua. Nếu người lao động nhập cư không thể tự do lựa chọn nơi họ muốn sống mà chỉ có thể di chuyển đến một địa điểm cụ thể được chỉ định, ở đó thậm chí còn không tạo nên cộng đồng và mang tới cơ hội việc làm thì cải cách đó không thể có ý nghĩa thực chất.

Ngoài ra, việc chỉ cấp cho lao động nhập cư quyền được ở trong thành phố mà không cho họ tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao và ngăn cản con cái họ đăng ký vào các trường tốt trong thành phố cũng là trái đạo đức.

Hơn nữa, việc sử dụng phương pháp "chấm điểm" để quyết định có cho phép người lao động nhập cư sống trong thành phố hay không cũng tương tự như việc ngăn chặn phần lớn người lao động nhập cư ở ngoài thành phố.

Cái gọi là "chế độ chấm điểm" chính là sử dụng trình độ học vấn, số năm đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội địa phương... để xác định ai đó có được hộ khẩu thành phố hợp pháp hay không.

Mấy tháng gần đây, dư luận nhiều lần nghe Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã thành công trong việc loại bỏ dân số cực kỳ nghèo ở nước này. Theo tác giả Dexter Roberts, đồng thời là cựu trưởng đại diện tại Trung Quốc của các tờ Businessweek, Bloomberg Businessweek, Trung Quốc coi hoạt động xóa đói giảm nghèo như một phong trào chính trị.

Họ thực hiện dựa vào việc ép buộc một số lượng lớn người dân di cư, trong đó có nhiều người cơ bản không muốn và về lâu dài, việc này chắc chắn không thành công.

Thực tế là nếu Trung Quốc không tìm ra cách để đưa lao động nhập cư vào thành phố và đảm bảo rằng họ không trở thành công dân hạng hai, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể phát triển bền vững hoặc không thể kéo dài.

Nếu chế độ hộ khẩu có thể được cải cách theo hướng cho phép lao động nhập cư tự do lựa chọn định cư tại thành phố và được hưởng các quyền chăm sóc y tế và giáo dục như người dân thành thị, nó sẽ giải phóng sức sản xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm.

Việc này tương tự như như cải cách nông thôn sau khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời và việc nới lỏng rào cản đầu tư để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể giúp nâng cao mạnh mẽ sức sản xuất, từ đó kích thích nền kinh tế.

Trong tương lai, nếu lao động nhập cư và người dân nông thôn có thể được hưởng lợi từ mảnh đất mà họ sở hữu, chắc chắn kỳ tích có thể được tạo ra một lần nữa. Không khó để nhìn ra con đường cải cách mà kinh tế Trung Quốc nên theo đuổi, nhưng vấn đề là các quan chức Trung Quốc lại không sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục