Ngôn ngữ sinh đôi

Clip ngôn ngữ trẻ sinh đôi gây sốt trên internet

Hai đứa trẻ sinh đôi 18 tháng tuổi mặc tã lót, dĩ nhiên là chưa biết nói, nhưng vẫn có thể “trò chuyện” với nhau gần như hoàn chỉnh!

Đoạn video clip về hai đứa trẻ sinh đôi 18 tháng tuổi, chỉ mặc độc chiếc tã lót, dĩ nhiên là chưa biết nói, nhưng… vẫn có thể “trò chuyện” với nhau đang gây sốt trên mạng internet, không chỉ bởi sự ngộ nghĩnh đáng yêu của con trẻ, mà còn bởi những bí ẩn về ngôn ngữ giao tiếp riêng giữa chúng.

Trong đoạn clip được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đặt camera ghi lại này, hai bé song sinh 18 tháng tuổi Sam và Ren dường như đã có một cuộc hội thoại hoàn toàn đầy đủ với những câu hỏi, trả lời, biểu lộ qua nét mặt và cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, thậm chí cả một những tràng cười rất người lớn.

“Những em bé này như đang sắp bật ra lời”, Stephen Camarata, giáo sư về khoa học Nghe và Nói tại Trung tâm Valderbilt Kennedy tại Nashville (Tennessee, Mỹ) cho biết. Thay vì nói ra lời, các trẻ em đang học nói tạo ra những âm thanh và tạo nhịp điệu cho câu chuyện của chúng. “Các bé sử dụng âm vực của các phần trong câu, tức là mô phỏng các câu của chúng ta theo một cách thô sơ”, Camarata nói. “Đó là một cách các bé học nói”.

“Thậm chí trước khi nói thành lời, các bé đã hiểu những đoạn hội thoại diễn ra ra sao”, tiến sĩ Roberta Golinkoff chuyên ngành giáo dục học và là giám đốc dự án ngôn ngữ trẻ sơ sinh tại Đại học Delaware, Newark, New Jersey, nói. “Các em tạo ra những âm thanh có điểm nhấn và sử dụng chúng để giao tiếp”.

Dần dân, Sam và Ren sẽ thay thế những âm thanh lúng búng đó bằng tiếng Anh, nhưng vào lúc này, các cậu bé hoàn toàn hài lòng với những gì chúng có. “Các bé cười, nghiến răng và bắt chước”, Camarata nói. “Với hai trẻ song sinh, chúng tôi có hai em bé ở chính xác cùng giai đoạn phát triển và cùng trình độ”.

Mặc dù những âm thanh Sam và Ren tạo ra mà chúng ta nghe được hầu hết chỉ là “da, da, da”, các bé thực ra hiểu rõ vấn đề chúng định nói, dù những người đang xem đoạn băng này sẽ cần phải có thêm phần phụ đề, theo giáo sư Karen Thorpe của khoa tâm lý học, Đại học Queensland, Australia, tác giả một số công trình về trẻ song sinh.

“Sự hiểu biết chia sẻ giữa chúng giống như chúng ta thường thấy ở những cặp vợ chồng. Họ đã ở cạnh nhau đủ lâu để nhiều khi không cần nói cũng hiểu, hoặc những biểu hiện giao tiếp hạn chế nhưng vẫn mang rất nhiều ý nghĩa”, Thorpe nói. Trong một số trường hợp khá hiếm, các cặp song sinh thậm chí tự phát triển và sử dụng ngôn ngữ bí mật mà chỉ riêng các em mới hiểu với nhau.

Catherine Brady, mẹ của cặp song sinh Austin và Landon Grant, sẽ tròn 5 tuổi vào tháng 8 này, nói bà gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu xem các con muốn nói gì. “Chúng tự tạo ra những từ mà cả hai cùng dùng, nhưng tôi không phân biệt được”, Brady nói.

Một nghiên cứu của Thorpe và các đồng nghiệp năm 2001 xuất bản trên Tạp chí quốc tế về các chứng rối loạn giao tiếp ngôn ngữ cho thấy những cặp song sinh sử dụng ngôn ngữ bí mật của riêng mình cho đến năm ba tuổi có khả năng nhận thức ngôn ngữ kém hơn và có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cao. Mặc dù khá hiếm, giao tiếp giữa các cặp song sinh đã là đề tài nghiên cứu từ những năm 1800./.


Xem đoạn clip rất dễ thương của hai đứa trẻ:

 

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục