Cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng

Lãnh đạo MPI cho hay kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng ảnh 1Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động nặng nề cho nền kinh tế. (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế-Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) - Trần Quốc Phương cho biết giai đoạn tới sẽ tập trung cho các giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Bối cảnh nhiều thách thức

Ông Phương cho hay, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động nặng nề đồng thời đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội phát triển.

Thứ trưởng cho rằng cả cơ hội và thách thức đều đòi hỏi Việt Nam cần đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ ràng hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để có thể vượt qua thách thức đồng thời nắm bắt thời cơ, phát huy được tiềm năng, phục hồi nhanh, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu phát triển.

[Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nổi bật tuần qua]

Nội dung kế hoạch, bối cảnh mới và yêu cầu phát triển của giai đoạn này đặt ra những quan điểm xây dựng cơ cấu lại nền kinh tế chủ yếu như tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020, bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.

“Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Trên cơ sở đó, ông Phương cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và vĩ mô khác, song phải phù hợp với điều kiện, lợi thế, trình độ phát triển của từng ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế trọng tâm gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng ảnh 2Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế cơ bản lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ những rào cản thể chế sẽ theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Công cuộc chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh.

Khai thác tốt hơn hội nhập quốc tế

Nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển là rất cần thiết. Trong đó, nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài và quyết định đồng thời kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Việt Nam cần khai thác tốt hơn lợi ích của hội nhập quốc tế, thực hiện hội nhập hiệu quả, chủ động nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường nội lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp nội địa, tiến tới làm chủ khoa học-công nghệ.

“Điểm lưu ý, tăng trưởng kinh tế phải có gắn kết với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững,” ông Phương nói.

Theo đó, Thứ trưởng khẳng định mục tiêu kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng-an ninh.

Mặt khác, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo giữ vững ổn định nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước. Từ đó, đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao.

“Thêm vào đó, việc hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành, nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam, theo đó thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số cũng là mục tiêu trọng yếu của giai đoạn này,” ông Phương chỉ ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục