Chính phủ các nước và giới đầu tư trên toàn thế giới thường theo dõi sát sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì nhất cử nhất động của ngân hàng này đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Vậy thể chế này thực sự hoạt động như thế nào?
“Sứ mệnh kép”
Fed được thành lập vào ngày 23/12/1913 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Khác với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, thì Quốc hội Mỹ lại giao cho Fed “sứ mệnh kép.” Một mặt, Fed có nhiệm vụ thúc đẩy thị trường lao động và sự ổn định của giá cả thông qua chính sách tiền tệ của mình. Mặt khác, đây cũng là một trong những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý các ngân hàng và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của hệ thống tài chính, chức năng đã thể hiện rõ nét trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hệ thống của Fed
Fed được dẫn dắt bởi Hội đồng Thống đốc ở Washington, gồm bảy thành viên do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell (dù hiện hội đồng này chỉ có bốn thành viên). Ngoài ra, còn có 12 chi nhánh Fed ở các khu vực trên toàn nước Mỹ để theo dõi các nền kinh tế và ngân hàng ở địa phương. Mỗi năm, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhóm họp tám lần để thảo luận chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, FOMC thường xuyên có những cuộc họp khẩn cấp, thậm chí là thông qua điện đàm. Ủy ban này gồm 12 thành viên có quyền bỏ phiếu: bảy thành viên của Hội đồng Thống đốc, chủ tịch Fed chi nhánh New York và bốn chủ tịch của các chi nhánh khác sẽ luân phiên có mặt trong ủy ban này mỗi năm.
Hoạt động độc lập
Quốc hội Mỹ thành lập Fed để hoạt động như một cơ quan độc lập của chính phủ. Các thành viên của Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ 14 năm để theo dõi ảnh hưởng của các chu kỳ bầu cử và Quốc hội không cấp kinh phí cho các hoạt động của Fed. Dù chủ tịch Fed phải báo cáo với Quốc hội hai lần/năm và đây là lúc để Fed lắng nghe những nhận xét về chính sách của mình, nhưng không giống như các ngân hàng trung ương khác như ECB, các chủ tịch Fed trong mấy chục năm trở lại đây thường từ chối bình luận công khai về các quyết định của Fed. Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump lại nhiều lần chỉ trích Fed với những ngôn từ không mấy “nể nang,” khi cho rằng ngân hàng trung ương này đã “vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Lãi suất
Công cụ chính để chèo lái nền kinh tế của Fed là lãi suất cơ bản, mức lãi suất mà các ngân hàng tính cho các khoản vay với kỳ hạn rất ngắn. Mức lãi suất này sẽ chi phối lãi suất của các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô, nợ doanh nghiệp và các hình thức vay khác. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp và chi phí chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó làm tăng trưởng chậm lại và giảm lạm phát. Ngược lại, giảm lãi suất, hay nới lỏng chính sách tiền tệ, thường thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cơ bản của Fed đã ở gần mức 0 trong giai đoạn từ năm 2008 đến cuối năm 2015, thời điểm mà ngân hàng này lần đầu tiên bắt đầu tăng dần lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ. Và tính trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất ba lần. Các quan chức của Fed phải luôn theo sát những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ tăng lên, bao gồm giá cả, tiền lương và thất nghiệp, để có thể phản ứng kịp thời. Fed đã phải nâng lãi suất lên 20% sau khi lạm phát tăng mạnh từ năm 1979-1980.
FOMC sẽ quyết định biên độ suất mục tiêu, còn Fed chi nhánh New York sẽ mua hoặc bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại để kiểm soát lãi suất bằng cách tăng hay giảm lượng trái phiếu sẵn có. Bên cạnh đó, Fed còn quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức là khoản tiền dự phòng mà các ngân hàng luôn phải duy trì. Nếu các giao dịch trong một ngày khiến cho lượng tiền dự trữ của một ngân hàng bị thiếu hụt vào thời điểm chốt phiên thì ngân hàng đó phải vay ngắn hạn từ Fed hoặc ngân hàng khác. Vì vậy, Fed còn có thêm những công cụ như tăng hoặc giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc và lãi suất đối với lượng tiền dự trữ dôi dư mà các ngân hàng gửi ở Fed./.