Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên

Chỉ một lần đến với cố đô Gyeongju nhưng nơi đây đã để lại trong tâm trí tôi ấn tượng khó phai về phong cảnh tuyệt đẹp, kiến trúc độc đáo cùng nét văn hóa đặc trưng ở đây.

Khi nghe tôi nói sắp đi Hàn Quốc, bạn bè đều bảo sao lại đi vào mùa này (đầu tháng 3) vì trời rất lạnh, cảnh lại không đẹp. Thêm vào nữa lại tham gia tour Hành trình di sản: Busan-Gyeongju-Seoul-Lotte World là một tour hoàn toàn mới chứ không phải những tour thông thường mọi người hay đi nên hầu như không mấy ai hưởng ứng.

Bản thân tôi chưa một lần đặt chân đến Hàn Quốc nên cũng bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều và cũng bớt hào hứng hơn đối với chuyến đi này. Tuy nhiên nếu đã một lần đặt chân đến, tìm hiểu một chút về Busan hay Gyeongju bạn sẽ có suy nghĩ khác và với tôi Gyeongju đã để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả.

Cách thành phố Busan khoảng 1 giờ 40 phút chạy xe về phía Đông Bắc, Gyeongju thực sự là một địa điểm lý tưởng. Tương truyền trước kia Gyeongju bao gồm 6 ngôi làng nhỏ, năm 57 trước Công nguyên, Park Hyeokgeose đã lên làm vua đầu tiên của nhà nước Sila và thống nhất 6 ngôi làng nói trên.

Theo truyền thuyết Hyeokgeose sinh ra từ một quả bầu thiêng, quả bầu khi bị nứt ra và kêu pak một tiếng do vậy người ta gọi ông là Park, sau này Park trở thành tên của một dòng họ danh tiếng của Hàn Quốc. Hyeokgeose có nghĩa là ông vua tỏa sáng, vì khi sinh ra hào quang quanh người ông tỏa sáng rực rỡ nên được người đời tôn kính, sau này ông lấy con gái của Rồng và trở thành vị vua đầu tiên của triều đại Sila. Mảnh đất Gyeongju vì thế là nơi phát tích của vương triều Sila và cũng là kinh đô của nhà nước này từ năm 57 trước Công nguyên.

Ngay khi bắt đầu vào cửa ngõ thành phố Gyeongju bạn có thể nhận ra nét tương đồng ở mọi công trình kiến trúc nơi đây từ khách sạn, nhà ở, cửa hàng, siêu thị… tất cả đều cùng màu sắc, kiểu dáng, mái lợp ngói cổ… Đường xá sạch đẹp với nhiều cây được trồng dọc hai bên đường.

Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên ảnh 1Những cành hoa chực chờ nở bung. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Thời điểm này ở Hàn Quốc tuy đã bắt đầu vào mùa Xuân nhưng thời tiết ở đây vẫn rất lạnh bởi vậy mà hiếm có thể nhìn thấy lá, lộc nảy mầm trên những cành cây. Thoạt nhìn có thể thấy đây là những cây khô, trơ trụi nhưng nếu quan sát kỹ, trên những cành cây khẳng khiu đó là bạt ngàn những nụ hoa li ti, không mấy nữa sẽ nở bung tuyệt đẹp.

Điểm đầu tiên tôi được đến thăm khi tới Gyeongju đó là quần thể lăng mộ Daereungwon nằm ở phía Nam của thành phố. Quả thật lúc đầu đi ngang qua tôi không nghĩ đó là lăng mộ mà cứ ngỡ đó là những quả đồi tuyệt đẹp vàng óng nhấp nhô từ cao xuống thấp. Chỉ khi được giới thiệu, tôi mới biết đó là lăng mộ và có lẽ chính vì thế mà đây còn được ví như công viên mộ.

Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên ảnh 2Hầm mộ Thiên Mã. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Nơi đây có khoảng trên 200 ngôi mộ cổ. Các ngôi mộ đều đã khai quật và được đắp lại phủ cỏ lên trên. Vào mùa này cỏ trên mộ khô vàng úa nhưng chỉ khoảng vài tháng nữa bạn quay trở lại sẽ thấy cả khu vực này được bao phủ bởi một màu xanh. Cũng tại đây chúng tôi được tới thăm hầm mộ “Thiên Mã” - ngôi mộ được coi là lớn nhất ở đây, được mở cửa cho du khách tới tham quan.

Tuy nhiên tại đây ấn tượng nhất đối với tôi không phải là hầm mộ mà là quang cảnh xung quanh, nhất là những con đường ngoằn ngoèo dẫn du khách từ đi từ điểm tham quan này đến điểm tham quan khác. Từ đây đi bộ khoảng chục phút, bạn có thể tới tháp đá Cheomseongdae - Đài thiên văn cổ nhất của Hàn Quốc và là đài thiên văn cổ nhất còn tồn tại ở châu Á. Đây cũng chính là điểm tiếp theo chúng tôi được tới thăm trong hành trình tới cố đô này.

Cheomseongdae được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 bởi nữ Hoàng Seondeok của triều đại Sila. Đài thiên văn thể hiện được con người Sila khi đó rất coi trong lĩnh vực thiên văn học, sử dụng đài thiên văn để dự báo về tự nhiên, xã hội và vận mệnh.

Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên ảnh 3Đài thiên văn cổ Cheomseongdae. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Đài thiên văn được xây dựng từ 362 viên đá granite, thể hiện cho 362 ngày trong năm theo âm lịch của người Sila khi đó, các viên đá được chồng lên nhau 27 lớp, theo các suy luận của các nhà khoa học thì có thể nữ hoàng Seondeok là vị vua thứ 27 nên mới tạo ra 27 lớp đá như vậy. Đế của đài thiên văn hình vuông bốn cạnh thể hiện bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, mỗi cạnh lại có ba viên đá, tượng trưng cho ba tháng trong tiết. Toàn bộ đài thiên văn cao 9,4m, đây là báu vật thứ 31 của Hàn Quốc và là di sản quan trọng trong quần thể di sản cố đô Gyeongju.

Điểm cuối cùng tôi được đến ở Gyeongju là Chùa Bulguksa-Phật Quốc Tự. Ngôi đền cổ với hàng ngàn năm tuổi và là một trong ngôi đền Phật giáo lớn nhất và đẹp nhất ở Hàn Quốc. Theo một tình nguyện viên người địa phương, tọa lạc trên núi Tohamsan cách thành Gyeongju 16km phía Bắc tỉnh Gyeongsang, chùa Bulguksa được xây dựng vào thời kỳ thịnh trị của triều đại Sila - một triều đại tôn sùng Phật giáo.

Năm 528, Hoàng hậu của Sila cho xây dựng ngôi chùa để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên công trình bị đình trệ, mãi đến năm 751 chùa mới tiếp tục được xây dựng, năm 774 chùa mới được xây dựng xong và đặt tên là Bulguksa.

Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên ảnh 4Ngôi chùa cổ Bulguksa. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Chùa được xây dựng và mở rộng nhiều dưới triều đại Cao Ly và Triều Tiên. Trong cuộc xâm lược của người Nhật từ năm 1592-1598, chùa bị thiêu rụi hoàn toàn. Năm 1604 ngôi chùa được xây dựng lại, cho đến năm 1805 chùa được xây dựng và sửa chữa đến 40 lần. Chùa Bulguksa là một kiệt tác, một di sản minh chứng cho một thời kỳ Phật giáo hưng thịnh dưới triều đại Sila, nơi đây cũng lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia. Chùa có 2 ngôi chính điện, một là thờ Đức Thích Ca (Phật Tổ Như Lai), một là thờ Đức A Di Đà (một trong những vị Phật, cai trị cõi cực lạc, xuất hiện trong Đại thừa).

Cách là Chùa Bulguksa khoảng 10 phút đi ôtô, tôi còn được tới thăm hang động Seokguram, nằm ở phía Đông núi Tohamsan. Đây vốn là nơi Tăng xá của chùa Bulguksa, tương truyền được xây dựng năm 751, tuy nhiên những tài liệu về hang động Seokguram rất ít ỏi, những tư liệu lịch sử được phát hiện sớm nhất ghi chép về hang động này là vào thế kỷ 18. Hang động Seokguram thể hiện một triết lý Phật học, mỹ thuật, kiến trúc một cách trọn vẹn và hoàn hảo của những nghệ nhân sinh thời.

Chính vì vậy năm 1995 UNESCO đã công nhận chùa Bulguksa và hang động Seokguram là di sản văn hóa thế giới. Ngoài hai di sản thế giới này, tại Gyeongju còn có một di sản thế giới nữa đó là vườn quốc gia Gyeongji và làng Yangdong - nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc về cư dân Joseon cổ xưa.

Cố đô Hàn Quốc Gyeongju - Đến một lần để nhớ mãi không quên ảnh 5(Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Tạm biệt những di sản văn hóa thế giới này, tôi trở về thành phố mới của Gyeongju cách đó không xa (đi ôtô mất chừng 20 phút đồng hồ). Tối đó, thong dong hết con phố này đến con phố khác của Gyeongju, tôi vẫn vẩn vơ suy nghĩ trong đầu rằng Gyeongju đẹp là thế, rất cổ nhưng hiện đại, bình yên là thế mà sao còn xa lạ đối với nhiều người Việt Nam và nhiều du khách quốc tế khác.

Theo số liệu của Tổng cục du lịch Hàn Quốc (KTO), năm 2014 có 10 triệu lượt khách đến với Gyeongju, tuy nhiên lượng khách quốc tế đến đây chưa nhiều, chủ yếu chỉ là khách nội địa. Liệu có phải mọi người ngại đường xá xa xôi. Chắc chắn không phải lý do này bởi hiện nay đã có đường bay thẳng tới Busan - thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc và là nơi có rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng.

Từ Busan đi xe ôtô tới Gyeongju mất chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Hơn nữa từ đây trước khi lên Seoul, bạn có thể tới thăm thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc Deagu - được ví như kinh đô thời trang của Hàn Quốc bởi toàn bộ những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất đều có nhà máy tại đây trước khi đi tàu lên Seoul.

Hay đây là tour chỉ phù hợp với những người trung tuổi trở lên bởi toàn thấy tham quan di tích cổ, không có những nơi vui chơi hay mua sắm sầm uất như ở Seoul. Lý do này lại càng không phải, bởi ở những nơi này đều có những chợ, trung tâm thương mại lớn để chúng ta có thể thỏa sức mua sắm. Vậy phải chăng do khâu quảng bá chưa được tốt…

Quả thật chỉ một ngày ở cố đô Gyeongju chưa thể đánh giá hay cảm nhận được hết vẻ đẹp, sức hút của nơi này nhưng thực sự Gyeongju đã ghi một dấu ấn trong tôi. Cảm giác trong tôi khi đó thật lạ, không còn mong mỏi thời gian trôi thật nhanh để được lên Seoul sôi động, tôi chỉ ước được ở Gyeongju thêm chút nữa để được đi đến làng cổ, để được ngủ trong những ngôi nhà cổ, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng này… và rất nhiều điều khác nữa.

Nếu có dịp quay trở lại Hàn Quốc, chắc chắn tôi sẽ chọn Gyeongju là điểm đến đầu tiên trong hành trình của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục