“Ai cũng có mơ ước, khao khát được sống một cuộc sống bình thường, nhưng đối với các em của trường học đặc biệt này, từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, các em phải chấp nhận số phận để vươn lên và cần có những cánh tay giang rộng chở che, chắp cách cho những ước mơ. Công việc của tôi chỉ một phần nhỏ giúp các em hòa nhập cuộc sống và tôi cảm thấy hạnh phúc khi từng ngày nhìn thấy các em thay đổi, trưởng thành hơn,” đây là chia sẻ của cô giáo Lê Thị Giang (sinh năm 1987), Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Khi còn trên ghế nhà trường, chứng kiến những đứa trẻ bị khuyết tật tự mình vươn lên vượt khó, nữ sinh Lê Thị Giang luôn có những cảm thông, chia sẻ và ước muốn trở thành giáo viên dạy học sinh khuyết tật đã nung nấu từ đó.
Tốt nghiệp phổ thông, Lê Thị Giang đăng ký thi vào Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
[Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tặng quà cho trẻ em khó khăn Đà Nẵng]
Ba mẹ, người thân đã ngăn cản trước quyết định đó của cô. Mặc dù vậy, Giang vẫn theo đuổi ước mơ của mình. Sau 4 năm miệt mài học tập ở giảng đường, rời xa quê hương Quảng Bình, Giang đã thử sức làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Những ngày đầu khi mới đứng trên bục giảng, tiếp xúc với những trẻ em khuyết tật là những ngày khó khăn nhất của Lê Thị Giang. Cô hoang mang, lo lắng bởi vây quanh cô là những đứa trẻ với đủ các loại khiếm khuyết, cô không biết làm cách gì để xử lý với các tình huống nan giải xảy ra.
Cô Giang nhớ lại: “Những ngày đầu, tôi không thể hòa nhập với lớp, nhiều tình huống xảy ra, như em học sinh tự lấy bút viết vào tay đến lúc chảy máu, hay có em không thể kiểm soát cảm xúc chạy đến đánh tôi, hét toáng lên, rồi khóc, nhiều lúc sợ quá tôi phải chạy ra ngoài.”
Qua những ngày đầu đứng lớp, Giang đã có suy nghĩ dừng lại, không thể kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Dần dần, cô đã bỏ ý nghĩ đó, bắt đầu làm quen, luyện tập, học hỏi từ đồng nghiệp, cố gắng gần gũi với các em, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp. “Bản thân nhiều lúc có ý nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng khi thấy những đứa trẻ thiếu may mắn, cần có chỗ dựa để các em hòa nhập với xã hội, tôi lại cố gắng tiếp tục dạy học,” cô Giang tâm sự.
Trải qua 10 năm dạy học sinh khuyết tật, nhiều thế hệ học sinh đã được cô “đưa qua sông.” Sau khi được cô Giang dạy, các em đã phần nào có sự thay đổi tính cách, cách sống, nhiều em đã hòa nhập vào cộng đồng, có thể đi học tại các trường bình thường.
Để có tiết học hay, cô Lê Thị Giang luôn có những phương pháp riêng biệt, độc nhất phù hợp với từng học sinh khuyết tật. Ngoài ra, cô cũng “đóng vai” như người cha, người mẹ để có thể chỉ bảo, hướng dẫn các em. Theo cô Giang, đối với trẻ khuyết tật, không đơn giản chỉ cần dạy vài lần là các em có thể hiểu, mà phải tìm cách để các em thay đổi được hành vi không tốt.
Cô Giang cho biết: “Cách dạy tốt nhất với các em khuyết tật là phải như người bạn, biết lắng nghe và hiểu các em, không nên áp đặt suy nghĩ, hay ra lệnh cho các em phải làm gì. Muốn các em nghe lời, cần nhẹ nhàng chỉ bảo, chia sẻ về những khó khăn mà các em gặp phải.”
Qua nhiều năm làm nghề, cô Giang vẫn nhớ như in cậu học sinh tên Nguyễn Đình Phong (14 tuổi) đã phải “học đi, học lại” với cô trong 5 năm liền. Phong bị khiếm thị và chính cô là người dạy chữ cho Phong.
“Chữ đầu tiên Phong viết được là chữ “con yêu cô Giang nhiều lắm”, tôi không thể kìm nổi xúc động, vui sướng và đã khóc khi nhìn thấy những dòng chữ đó. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng hơn trong sự nghiệp trồng người,” cô Giang chia sẻ.
“Nhờ phương pháp dạy của cô Giang mà cháu Phong đã từng ngày hòa nhập với mọi người. Cháu không còn tự ti như trước và đã biết tự làm nhiều việc phụ gia đình. Bên cạnh đó, cô Giang còn thường xuyên tư vấn với gia đình về cách thức dạy cháu phù hợp, giúp cháu tiến bộ hơn,” anh Nguyễn Xuân Trung, phụ huynh em Nguyễn Đình Phong cho hay.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết: "Cô Giang là một giáo viên nhiệt huyết và yêu nghề. Nhiều năm gắn bó với Trung tâm, cô đã có nhiều phương pháp dạy học hay, phù hợp với những học sinh khuyết tật. Cô thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong giáo dục học sinh nhằm giúp cha mẹ học sinh có thể hướng dẫn con tốt nhất, mang lại hiệu quả cao trong giáo dục. Ngoài việc lên lớp dạy học, cô còn rất hòa đồng với đồng nghiệp, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ mới vào trường.”
Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng nghề dạy học sinh khuyết tật còn trân quý hơn nhiều lần. Sau nhiều năm cống hiến, giảng dạy, suốt 6 năm liền cô Lê Thị Giang đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, 2 năm là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.
Cô cũng giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi chuyên môn. Đặc biệt, cô Lê Thị Giang vinh dự được thành phố Đà Nẵng trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo tiêu biểu” năm học 2019-2020./.