Cơ hội cho các start-up Việt Nam trước làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc

Các start-up Việt Nam tới Hàn Quốc lần này có rất nhiều điểm ưu điểm như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt hơn các start-up Hàn Quốc, cách thuyết trình gọi vốn cũng rất tốt.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia tọa đàm với một số startup Việt Nam. (Nguồn: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia tọa đàm với một số startup Việt Nam. (Nguồn: Mạnh Hùng/Vietnam+)

“Đến với Techfest 2019, tôi mong muốn có được sự kết nối tốt nhất với các start-up Hàn Quốc cũng như với các nhà đầu tư Hàn Quốc có mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam,” chị Annie Vu, Giám đốc điều hành doanh nghiệp non trẻ TUBUDD của Việt Nam hồ hởi khi trao đổi với nhóm phóng viên tại Techfest 2019 diễn ra ngày 8/11 ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Tâm sự của nữ giám đốc TUBUDD cũng là khát vọng của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tại sự kiện dành cho các start-up Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Vườn ươm khởi nghiệp Seoul tổ chức.

Không giống như TUBUDD, MN Audio JSC của Giám đốc điều hành Nguyễn Công Tuấn mang đến Techfest 2019 sản phẩm chip xử lý âm thanh, một sản phẩm mà theo doanh nhân trẻ tuổi này có công nghệ lõi hoàn toàn là của Việt Nam.

“Ngoài việc giới thiệu sản phẩm và các dịch vụ có thể cung cấp cho các đối tác Hàn Quốc, tôi còn muốn kêu gọi vốn đầu tư từ một số nhà đầu tư Hàn Quốc có kiến thức và có thể kết hợp phát triển dự án của tôi,” anh Tuấn cho biết.

Các start-up Việt Nam tới Hàn Quốc lần này có rất nhiều điểm ưu điểm như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt hơn các start-up Hàn Quốc, cách thuyết trình gọi vốn cũng rất tốt và quan trọng nhất là sản phẩm mới lạ độc đáo.

Chị Ngô Hải Linh, đại diện công ty Medlink, cho rằng một trong những thành công của khởi nghiệp là ý tưởng được mọi người ủng hộ, đón nhận và nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư cũng như các đối tác giúp các start-up phát triển và thành công hơn nữa.

“Để đạt được những thành công đó, trước tiên bản thân các start-up phải có các sản phẩm khác biệt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu người sử dụng,” chị Linh bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ quan điểm này, chị Annie Vu cho rằng để có thành công, start-up phải đi vào những phân khúc khác biệt và đúng thời điểm. “Đối với TUBUDD, thành công hiện tại chính là có được sự ủng hộ rộng rãi, từ Mỹ, Anh, Việt Nam và cả Hàn Quốc và đây là những thành công ban đầu,” nữ doanh nhân này cho biết, đồng thời bày tỏ hy vọng thu hút đầu tư, kết nối được với các công ty Hàn Quốc có dịch vụ tương tự như TUBUDD.

Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 của ESP Capital và Cento Ventures cho thấy chỉ trong vòng hai năm, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động đã vươn lên top ba cộng đồng khởi nghiệp mạnh nhất 6 quốc gia ASEAN tham gia khảo sát, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Cũng theo báo cáo này, vốn đầu tư từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn 246 triệu USD đổ vào các start-up Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh các khoản đầu tư trong nước, thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của các quỹ Hàn Quốc khi số tiền đầu tư ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch trong nửa đầu năm nay.

Trong khi vào giai đoạn 2017-2018, phần lớn các giao dịch là từ nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, thị trường Việt Nam ghi nhận 58 vụ đầu tư thành công với tổng vốn 246 triệu USD, gấp 6 lần cùng kỳ 2017. Trong đó 3 khoản đầu tư lớn nhất vào Tiki, VNPay và VNG chiếm 63% tổng vốn.

Trong khi đó, theo Tổ chức Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam với hơn 96 triệu dân chính là thị trường đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Tính tới tháng 11/2018, Hàn Quốc trở thành nước có vốn đầu tư trực tiếp FDI nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc có chiến lược đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam trong những năm tới, trong đó có ngành thời trang (may mặc, giày da …), thế mạnh của Việt Nam, hứa hẹn mang tới nhiều cơ hội lớn cho start-up Việt.

Có thể nói rằng, sự hợp tác chiến lược quan hệ ngoại giao-kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam cùng những chính sách mở cửa, ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến số vốn đầu tư khổng lồ mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đổ vào những năm gần đây. Bên cạnh đó, hai nước có sự tương đồng về văn hóa giúp cho việc hợp tác kinh doanh và đầu tư thuận lợi và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ của Hàn Quốc dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam.

[Những sản phẩm độc đáo của các start-up Hàn Quốc]

Thứ hai, nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ và có kỹ năng - đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các start-up Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo trong nhiều ngành khác nhau, đặc biệt đối với những ngành dịch vụ như đồ ăn, vận chuyển, công nghệ thông tin.... và đây cũng chính là hướng đầu tư mà các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm.

Bên cạnh đó là sự ổn định về chính trị. Có thể nói việc đầu tư bền vững và thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình hình của đất nước đó. Việt Nam được đánh giá là đất nước hòa bình, không xảy ra những cuộc bạo động cũng như các hoạt động khủng bố hoặc nếu có manh nha cũng bị các lực lượng an ninh ngăn chặn.

Và điều quan trọng nữa là một số start-up Việt có những dự án khá độc đáo, áp dụng nhiều công nghệ mới trên thế giới nên chỉ cần thể hiện được tính khả thi của sản phẩm hay dịch vụ của mình, họ sẽ luôn nhận được những đánh giá tích cực kèm với số tiền đầu tư lớn từ các nhà đầu tư của Việt Nam và nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

Mới đây vào tháng 7, quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans đã rót vốn vào Base, start-up cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp trên nền tảng SaaS (Software as a Service). Kể từ khi để mắt đến thị trường Việt Nam vào năm 2015, quỹ đầu tư nổi tiếng tại Hàn Quốc này đã rót vốn vào tổng cộng 10 start-up Việt Nam. Một số dự án nổi bật như với Luxstay, JamJa, EcoTruck, Leflair... với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu USD.

Ông Eddy Hong - Giám đốc điều hành NexTrans cho biết, trong 4 năm qua, quỹ đã tiếp xúc hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam, từ những "kỳ lân" như VNG, Tiki cho đến những start-up mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Ông Eddy Hong khẳng định Việt Nam là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á, chứa đựng sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Cơ hội cho các start-up Việt Nam trước làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc ảnh 1 Anh Lee Sung-ho với sản phẩm bình nước đa năng cho thú nuôi. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

 "Cộng đồng start-up Việt Nam hiện tại có nét tương đồng với Hàn Quốc cách đây 10 năm, với rất nhiều những động lực phát triển và tiềm năng rộng lớn. Các bạn có ý tưởng dồi dào, chất lượng, sự khao khát thành công của các nhà sáng lập, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng rót vốn," đại diện NexTrans nói.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn hấp dẫn bởi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm dịch vụ công nghệ. Theo nghiên cứu của công ty công nghệ Appota, số liệu về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là “đẹp nhất” khu vực với lực lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 72%, mức tiêu thụ dịch vụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen sử dụng thiết bị di động cao. Thị trường dịch vụ qua thiết bị di động là mảnh đất rộng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác.

Một quỹ đầu tư Hàn Quốc khác cũng đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam là STIC Ventures thuộc STIC Investment. Cả hai quỹ đều tích cực tìm kiếm các đối tác tiềm năng tại Việt Nam để bổ sung vào danh mục đầu tư.

Trong khi STIC Investment có phạm vi tìm kiếm khá rộng gồm các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, thì STIC Ventures tập trung nguồn vốn cho start-up, những doanh nghiệp hoạt động dựa trên công nghệ và ở giai đoạn đầu phát triển. Những tên tuổi quen thuộc trong giới khởi nghiệp như Tiki, Cammsys Việt Nam, Dược Nanogen... đều thuộc danh mục đầu tư của STIC.

Ông Seon H. Bae - Giám đốc phụ trách thị trường Indonesia và Việt Nam, STIC Investments cho biết các nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt đã thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần khi tìm đúng "điểm rơi" và đối tác tiềm năng. Tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp càng sớm đồng nghĩa chấp nhận rủi ro cao hơn, nhưng cùng lúc khả năng sinh lời trong những năm tiếp theo càng lớn.

Một số start-up xuất sắc Hàn Quốc cũng đã chủ động sang Việt Nam tìm đối tác đầu tư, kinh doanh, đáng chú ý là chuyến đi tới Thành phố Hồ Chí Minh của 5 công ty khởi nghiệp Hàn Quốc theo chương trình Runway To The World (RW2TW).

Để có được thành công trên, có thể nói Chính phủ, nhiều cơ quan và địa phương Hàn Quốc trong thời gian qua đã tích cực giúp đỡ các start-up Việt Nam từ quảng bá, kết nối doanh nghiệp cho tới không gian làm việc, tư vấn pháp lý, bảo vệ thương hiệu…. Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Hàn Quốc (NIPA), Cơ quan Thúc đẩy Công nghiệp Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ cộng đồng start-up Việt Nam.

Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và KICC đã phát động cuộc thi "K-start-up Grand Challenge" dành cho cộng đồng start-up Việt Nam. Đây là chương trình thường niên do chính phủ Hàn Quốc tổ chức từ năm 2016 với mục đích xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các start-up mở rộng thị trường tại châu Á qua việc sử dụng thị trường Hàn Quốc làm bước đệm.

Ban tổ chức lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chính tổ chức cuộc thi vòng loại khu vực năm nay cùng với Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc).

Trung tâm Đổi mới Kinh tế Sáng tạo Seoul, Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo Seoul, Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo Busan… cùng các đối tác Hàn Quốc khác rất coi trọng thị trường Việt Nam cũng như các đề xuất của Việt Nam.

Đại diện nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc cho biết trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt vào các dịch vụ hoạt động trên nền tảng di động, công nghệ tài chính, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao.../.
 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục