Cơ hội để đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều đang dần khép lại?

Nếu quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện trước cuối năm 2019, thì Triều Tiên sẽ tiến hành trả đũa. Tuy nhiên, cả Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc hiện đều đang đối mặt với những vấn đề bận tâm trong nước.
Cơ hội để đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều đang dần khép lại? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Triều Tiên dường như không nhận ra rằng việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump - hai tổng thống chủ hòa nhất trong lịch sử - cùng nắm quyền ở thời điểm này là cơ hội có một không hai của Bình Nhưỡng.

Thay vào đó, họ lại tuyên bố đặt ra thời hạn chót vào cuối năm nay. Theo đó, nếu quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện trước cuối năm 2019, thì Triều Tiên sẽ đe dọa tiến hành trả đũa.

Tuy nhiên, hiện Triều Tiên vẫn rất mập mờ về vấn đề này.

Hiện có nhiều tranh cãi về 2 câu hỏi: một là, liệu Triều Tiên có thực thi thời hạn chót này hay không - bởi trước đây Triều Tiên từng sử dụng “thời hạn chót” như một chiến thuật đàm phán - và hai là, biện pháp trả đũa của Triều Tiên sẽ là gì?

Hành động vi phạm rõ ràng nhất sẽ là Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa. Theo thỏa thuận không chính thức giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ không thử tên lửa tầm xa trong lúc các cuộc đàm phán với Mỹ được tiến hành.

Và từ đầu năm đến nay, ông Kim đã “lách luật” bằng việc tiến hành một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn đe dọa tới Nhật Bản. Động thái này có thể sẽ gây sức ép với ông Trump thông qua Tokyo mà không bị coi là vi phạm thỏa thuận “không chính thức” về việc cấm thử tên lửa tầm xa.

Ông Trump - vốn sốt sắng duy trì vẻ ngoài rằng hai bên đang đạt được tiến triển - đã không lên án về các vụ thử tầm ngắn này.

Tuy nhiên, nếu ông Kim tiến hành một vụ thử tên lửa tầm xa vào tháng 1/2020, điều đó sẽ được xem là dấu hiệu của việc đàm phán sụp đổ. Ngay cả ông Trump - một bậc thầy của truyền thông - sẽ không có thời gian để bênh vực việc này.

Giới chuyên gia và dư luận Mỹ sẽ quay trở lại quan điểm ngầm định của Mỹ đó là: Triều Tiên là kẻ thù của Mỹ. Ông Trump trước đây từng khẳng định rằng ông Kim là một người bạn của ông và rằng hai bên có quan hệ tốt đẹp.

Nếu ông Trump không thể thay đổi hành vi của ông Kim - và một vụ thử tên lửa tầm xa sẽ được coi là thất bại đáng chú ý - thì khi đó rất có thể Mỹ sẽ trở lại quan điểm truyền thống đó là ngăn chặn và răn đe Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Trump - cũng giống như bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác - có rất nhiều vấn đề cần bận tâm. Ông đơn giản không thể dành cả nhiệm kỳ tổng thống cho vấn đề này, bởi Triều Tiên dường như cũng kỳ vọng vào các tổng thống Hàn Quốc.

Cơ hội để đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều đang dần khép lại? ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ở Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tồi tệ hơn, ông Trump đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Ông và các quan chức cấp cao khác đang tập trung vào các vấn đề khác, và ít nhất là sau thời hạn chót mà Triều Tiên đặt ra.

[Báo Nhật: Cơ hội đối thoại về hạt nhân Triều Tiên có thể biến mất]

Hơn nữa, ông Trump có thể lập luận rằng ông đã đối xử rất tử tế với ông Kim - qua 3 hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ - và rồi ông Kim chỉ lãng phí cơ hội bằng các yêu cầu phi thực tế.

Như vậy, khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành bất kỳ động thái đáng chú ý nào trước cuối năm nay. Như vậy, nếu chỉ xét tới quan hệ Mỹ-Triều, thì tiến trình hòa bình sẽ dần tan rã.

Thời hạn chót sẽ trôi qua “không kèn không trống” và đến cuối tháng 1/2010 hoặc tháng 2/2020, sau một số tuyên bố khiêu khích hơn của Triều Tiên, khi đó Bình Nhưỡng sẽ tiến hành khiêu khích. Bởi vậy, sự sốt sắng đạt được một thỏa thuận của Tổng thống Moon sẽ là cơ hội thực sự cuối cùng cho một bước đột phá.

Cam kết của ông Moon về một thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên được nhiều người biết tới. Ông đã dành cả nhiệm kỳ tổng thống để tập trung nối lại quan hệ hữu nghị với Triều Tiên. Nỗ lực tìm kiếm đột phá của ông đã gây chia sẽ Hàn Quốc sâu sắc.

Các nhân vật bảo thủ trong nước đã cáo buộc ông Moon là “điệp viên” của Triều Tiên và gây tổn hại tới quan hệ của Seoul với Washington và Tokyo để nhằm xoa dịu Bình Nhưỡng. Tổng thống Moon cũng có nguy cơ thất bại trên chính trường. Cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Moon chỉ dao động ở mức 40%.

Do vậy, giờ đây là thời điểm ông Moon nên thúc đẩy nỗ lực cuối cùng để phá vỡ thế bế tắc. Nỗ lực này không thể đơn giản là đưa ra các nhượng bộ hay tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác.

Các đối thủ của ông sẽ gọi các hành động như vậy là chính sách nhượng bộ và hành động ngoại giao “làm màu."

Ông Moon cần tạo ra sự trao đổi mang tính sáng tạo giữa một bên là Triều Tiên và một bên là Mỹ và Hàn Quốc - một thỏa thuận lôi kéo sự chú ý của Trump trở lại vào thời điểm bận rộn của ông và thúc đẩy Triều Tiên đưa ra nhượng bộ cuối cùng, đủ để dập tắt những lời chỉ trích của giới bảo thủ tại Seoul và Washington, tuy nhiên đồng thời trao cho Triều Tiên đủ những gì họ cần để ngừng việc “đếm ngược."

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Moon - hay bất kỳ ai khác - có thể “luồn chỉ qua lỗ kim hẹp” như vậy hay không.

Song chúng ta đang tiến dần tới thời điểm cuối cùng để đạt được một thỏa thuận: Thời hạn chót của Triều Tiên đang đến gần; Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội trong khi đang chuẩn bị tái tranh cử; và ông Moon chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội.

Và cánh cửa cơ hội để đạt được một thỏa thuận thực sự đang dần khép lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục