Có nên bắt buộc sử dụng lao động khuyết tật?

Nhiều đại biểu đồng tình việc làm cho người khuyết tật là một trong những điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống.
Chiều 19/1, phát biểu bế mạc phiên họp 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật đã được góp ý kiến; chuẩn bị phiên họp 28 sẽ diễn ra trong tháng 2.

Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII đã cho ý kiến vào một số vấn đề lớn của dự án Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu rõ vấn đề khuyết tật trong dự thảo Luật đã được nhìn nhận một cách toàn diện hơn cả về góc độ y tế và góc độ xã hội.

Trên thực tế cho thấy, việc người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể hay chức năng, song khó khăn đó sẽ tăng thêm do những rào cản xã hội.

Sự quan tâm đối với người khuyết tật không chỉ là chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải góp phần xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật.

Do đó, việc tiếp cận với khái niệm người khuyết tật từ góc độ xã hội là nhằm hướng đến bổ sung các chính sách giảm thiểu hoặc xóa bỏ những rào cản này, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của mọi cá nhân và cộng đồng đối với người khuyết tật.

Các ý kiến của các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều tập trung vào nội dung quy định sử dụng lao động là người khuyết tật và việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng; về bảo trợ xã hội cho người khuyết tật.

Đa số đại biểu đồng tình việc làm cho người khuyết tật là một trong những điều kiện quan trọng giúp họ chủ động vượt qua khó khăn và hòa nhập vào cuộc sống xã hội.

Chính sách việc làm đối với người khuyết tật sẽ được nhìn nhận toàn diện từ 3 góc độ: việc làm phù hợp; sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật; và trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp đối với người khuyết tật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, nên quy định theo hướng bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách, thuộc khu vực công, đồng thời có cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp, sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.

Trường hợp người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp mà vì lý do nào đó trở thành người khuyết tật, doanh nghiệp đó cũng phải có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Thuận cũng tán thành ý tưởng bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng nhưng cho rằng tính khả thi không cao nếu chỉ dừng lại ở quy định trong một điều như thế này, mà phải có sự đồng bộ từ các khâu.

Không cùng ý kiến với ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ nên khuyến khích và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì sẽ phù hợp tình hình thực tế hơn, chưa nên đặt vấn đề bắt buộc, sẽ gây khó cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng ủng hộ phương án khuyến khích, không áp đặt, nhất là đối với một số doanh nghiệp đặc thù, ngành nghề không phù hợp với sức khỏe và khả năng làm việc của người khuyết tật.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn có quan điểm khác khi cho rằng không nên phân biệt khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp để phân chia ra bắt buộc hoặc khuyến khích, Luật đã chọn phương án nào thì cả 2 khu vực này đều phải bình đẳng trong việc thực hiện.

Để làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên dung hòa giữa hai phương án, bắt buộc ở khu vực công và khuyến khích các doanh nghiệp, kèm theo những chính sách hỗ trợ.

Quyền được lao động phù hợp với khả năng và sức khỏe là quyền chính đáng của người lao động và thực tế cũng đã có những doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc; tuy nhiên, đúng là cũng có những doanh nghiệp không tìm đâu đủ số 2-3% người khuyết tật.

Về vấn đề bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết thêm, hầu hết ý kiến đề nghị cần trợ cấp tất cả cho người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng, không phân biệt có thuộc hộ nghèo hay không.

Lý do là đa số người khuyết tật hiện đều có cuộc sống rất khó khăn, nếu không phải hộ nghèo thì cũng thuộc diện cận nghèo, bản thân họ lại là đối tượng cần có sự trợ giúp đặc biệt. Vì thế không nên gắn tiêu chí nghèo vào chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dự thảo đưa 2 phương án để xin ý kiến: phương án 1 là bắt buộc và phương án 2 là bắt buộc đối với khu vực công, khuyến khích đối với các doanh nghiệp; đồng thời quy định rõ, các doanh nghiệp không thực hiện cần có khoản đóng góp vào quỹ hỗ trợ./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục