Có nên xáo trộn các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội?

Hiện Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện Bộ ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa - chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân.
Các bác sỹ thực hiện một ca phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Các bác sỹ thực hiện một ca phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm với nhiều nhóm chính sách lớn được đưa ra thảo luận. Trong đó, theo khoản 1, Điều 27 của dự thảo có nội dung: “Chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ, Cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bệnh viện các trường đại học.” Đây là vấn đề được ngành y quan tâm đặc biệt sâu sắc.

Tránh gây ra sự lãng phí chồng chéo

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau khi dự thảo được đăng tải, Bộ Y tế đã tham gia ý kiến, góp ý với ban soạn thảo về nhiều vấn đề. Quan điểm của Bộ Y tế là đưa nội dung này ra khỏi dự thảo vì nhiều lý do. Bởi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương… có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và Hà Nội. Theo Nghị quyết 19 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ Y tế.

[Hà Nội giao quyền tự chủ cho 36 bệnh viện giai đoạn 2023-2025]

Đặc biệt, các bệnh viện Trung ương đều là cở sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Đại học Y Hà Nội. Trong công tác đối ngoại, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế mang tầm quốc gia, có vị thế lớn trong hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đặc biệt là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước tiên tiến.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị cân nhắc tới năng lực quản lý và điều kiện phát triển của y tế Hà Nội. Con số 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Như vậy Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số bệnh viện trong cả nước.

Có nên xáo trộn các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội? ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. (Ảnh: TTXVN)

Hiện Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện Bộ ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa - chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm. Thực tế cho thấy các cơ sở y tế của Hà Nội hầu như chưa thực sự phát triển như của Trung ương hay các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Thuấn, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ Y tế nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi. Đó là chưa kể hiện Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự lãng phí chồng chéo.

Không nên có sự xáo trộn

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ, vì vậy nhân cuộc họp với các bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện có ý kiến về nội dung dự thảo của Luật Thủ đô về việc chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như thiếu, do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Có nên xáo trộn các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội? ảnh 2Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội. Với vai trò là Giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, ông Cơ cho biết đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương.

Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ đặt ra nhiều vấn đề.

Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu cho biết bệnh viện đang làm công tác chỉ đạo tuyến cho vài chục bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Do đó nếu thuộc Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác này.

Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ theo dự thảo Luật Thủ đô, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ Y tế đều thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.

Các ý kiến tham dự buổi làm việc đều thống nhất chung về việc hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn vì sẽ ảnh hưởng đến cả công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục