Theo báo Liên hợp buổi sáng, sau khi giới chức Trung Quốc yêu cầu tăng cường thắt chặt kiểm soát đối với doanh nghiệp công nghệ niêm yết ở nước ngoài vào ngày 10/7, một số ý kiến cho rằng con đường niêm yết cổ phiếu tại thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc sẽ không còn rộng mở.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố bản dự thảo sửa đổi "Các biện pháp kiểm duyệt an ninh mạng" để trưng cầu ý kiến, trong đó yêu cầu những công ty khai thác thông tin cá nhân của hơn 1 triệu khách hàng phải vượt qua kiểm tra an ninh mạng mới có thể niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.
Quy định này chắc chắn khiến các công ty Internet Trung Quốc muốn niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Để được định giá cao, các công ty niêm yết đều muốn có càng nhiều khách hàng càng tốt, song nếu vượt qua "lằn ranh đỏ" 1 triệu khách hàng thì họ cũng phải đối diện với sự quản lý giám sát nghiêm ngặt hơn.
Nền tảng gọi xe trực tuyến Didi Chuxing với gần 500 triệu khách hàng sử dụng mỗi năm liên tục chịu các cú sốc khi "vào tầm ngắm" của giới chức quản lý.
Giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 40% trong 2 tuần kể từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên Sở giao dịch chứng khoán New York, khiến cho nhiều nhà đầu tư Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
Theo các thông tin liên quan, nhiều công ty Trung Quốc đã tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch IPO ở Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc giới chức Trung Quốc hạn chế các công ty công nghệ nước này đến Mỹ để IPO sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán Phố Wall tránh bị mất tiền vào những "cổ phiếu khái niệm Trung Quốc" hiện đang "chạy đua" niêm yết ở Mỹ mà chất lượng "tốt xấu lẫn lộn" trong những năm gần đây.
Cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc (China concepts stock) là các cổ phiếu được đăng ký và niêm yết ở nước ngoài, nhưng quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc.
Những nhà đầu tư cổ phiếu này được gọi là "hẹ Tây," do loại cây này phát triển rất nhanh, có thể thu hoạch không lâu sau khi trồng và có thể tiếp tục tăng trưởng. Và thị trường vốn của Mỹ được coi là một "cánh đồng hẹ Tây" trong mắt một số người Trung Quốc.
"Cổ phiếu bẫy tiền" lập tức sụt giảm ngay sau khi niêm yết
Những năm gần đây, ngày càng nhiều cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc đến Mỹ niêm yết, trong đó vừa có những "ông lớn" với giá cổ phiếu liên tục thăng hoa như "người khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba, những ngôi sao mới nổi có giá trị cổ phiếu tăng gần 4 lần trong một năm như Nio - nhà sản xuất xe điện được mệnh danh là "Tesla của Trung Quốc."
Tuy nhiên, cũng có không ít "cổ phiếu bẫy tiền" với giá cổ phiếu giảm xuống dưới giá phát hành sau khi niêm yết, thậm chí công ty hủy niêm yết sau khi IPO chưa được 1 năm.
Nền tảng thương mại điện tử MOGU, từng nổi tiếng là cổ phiếu đầu tiên trong số các nền tảng thương mại điện tử thời trang niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã niêm yết trên sàn giao dịch New York cuối năm 2018.
Tuy nhiên, ngay trong ngày "chào sàn", giá mở cửa của MOGU giảm hơn 12% so với giá phát hành. Sau 2 năm rưỡi niêm yết, giá cổ phiếu của công ty giảm từ 14 USD xuống còn 1,52 USD, với giá trị thị trường "bốc hơi" gần 90%.
Nền tảng cho vay trực tuyến Qudian từng được Alibaba hỗ trợ, có mức giá niêm yết 34,35 USD vào tháng 10/2017, nhưng giá cổ phiếu này đã lao dốc xuống còn 5 USD chỉ trong vòng một năm, trở thành một trong những cổ phiếu kém nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Hiện nay, giá cổ phiếu của Qudian chỉ còn 2 USD, năm 2017 các nhà đầu tư tranh nhau mua nhờ "ánh hào quang" của Alibaba, nếu không kịp thời bán ra thì e rằng đã chịu thiệt hại rất lớn.
Sự kiện "thu hoạch hẹ Tây" chấn động nhất vào năm 2020 lại đến từ "kỳ lân" chuỗi cửa hàng càphê Luckin hủy niêm yết do gian lận báo cáo tài chính.
Chỉ trong vòng chưa đến 3 năm, thương hiệu này đã hoàn thành lộ trình thành lập, niêm yết và hủy niêm yết.
Ngay cả những cổ phiếu khái niệm Trung Quốc lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây, một số cổ phiếu cũng được xem là có tính chất "thu hoạch hẹ Tây."
Chẳng hạn như công ty giáo dục trực tuyến Zhangmen Education thua lỗ nhiều năm liên tục, và Hellobike cũng đang gặp khó khăn trên lĩnh vực xe đạp.
Tháng 5/2021, Zhangmen Education đã nộp bản cáo bạch xin niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhà cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến của Trung Quốc này chiếm 31,9% thị phần trong năm 2020, lớn hơn tổng thị phần của 10 công ty hàng đầu khác cùng lĩnh vực trong cùng thời kỳ.
Doanh thu 2 năm qua cũng tăng mạnh 50%, dường như tiềm năng tăng trưởng không giới hạn. Tuy nhiên, công ty này liên tục thua lỗ trong hai năm qua, khoản lỗ ròng quý 1/2021 đã tăng lên 497 triệu nhân dân tệ từ mức 2,03 triệu nhân dân tệ của quý 1/2020, do chi phí tiếp thị và bán hàng của công ty tăng mạnh.
["Sao đổi ngôi" trên thị trường công nghệ tài chính Trung Quốc]
Từ đầu năm đến nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tăng cường quản lý các đơn vị giáo dục bên ngoài trường học, điều này đã làm tăng thêm nhiều biến số cho triển vọng phát triển của Zhangmen Education.
Trong khi đó, Hellobike được biết đến là công ty niêm yết cổ phiếu đầu tiên trong số các dịch vụ chia sẻ xe đạp, cũng đã nộp bản cáo bạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng Tư năm nay.
Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa đưa ra tuyên bố tiếp theo. Có thông tin cho rằng, dưới sức ép giám sát lớn, công ty đang cân nhắc hủy kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Hellobike đã chứng kiến giai đoạn dịch vụ chia sẻ xe đạp đi từ thịnh vượng đến suy tàn, hiện đang là một trong ba "ông lớn" "sống sót" trên thị trường.
Tuy nhiên, trong 3 năm qua, lỗ lũy kế của công ty lên đến 4,8 tỷ nhân dân tệ, nếu tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group không nhiều lần bơm vốn trong thời gian này thì công ty có thể đã sớm bị loại khỏi thị trường.
Tại sao "hẹ Tây" của Mỹ dễ thu hoạch?
Rất dễ nhận thấy điểm chung của các cổ phiếu nói trên, đó là hoạt động của các công ty này đang thuộc giai đoạn phát triển nhanh vào thời điểm niêm yết, hơn nữa đều dựa vào thủ thuật "đốt tiền" để đổi lấy thị phần, trong đó không ít doanh nghiệp đều hoạt động trên lĩnh vực Internet.
Những đặc điểm đó đã giúp các công ty có thể dễ dàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và dễ nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ.
Những công ty muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cần đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết tương đối cao, chẳng hạn công ty phải có lợi nhuận 3 năm liên tiếp mới có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Quy định này đã đặt dấu chấm hết cho các công ty Internet hoạt động thua lỗ trong nhiều năm liên tục.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ áp dụng cơ chế đăng ký thay vì phê duyệt đã giúp những công ty này có thể công khai gọi vốn với chi phi rẻ hơn, nhanh chóng hơn.
Đây cũng là lý do tại sao thị trường chứng khoán Mỹ có thể thu hút ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang phát triển nhanh, cần vốn gấp.
Ngoài ra, thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân và nền kinh tế Internet phát triển nhanh của Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư Mỹ có đủ niềm tin đối với các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, đặc biệt là khi những công ty này có thể đối sánh với các "ông lớn" của Mỹ.
Nền tảng mạng xã hội Renren của Trung Quốc hiện đang đối diện với nguy cơ hủy niêm yết. Tuy nhiên, cách đây 10 năm khi khoác tên gọi "Facebook phiên bản Trung Quốc" để niêm yết trên thị trường, giá trị của công ty được ước tính lên đến hàng trăm tỷ USD.
Luckin cũng trở thành "cổ phiếu ngôi sao" được nhiều tổ chức đầu tư đánh giá tích cực dưới ánh hào quang là "Starbucks của Trung Quốc."
Dịch Hiến Dung, nguyên Trưởng phòng phát triển tài chính của Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng không ít cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính (fintech) chỉ là "thùng rỗng kêu to," không dấn bước vào con đường sáng tạo, mô hình kinh doanh không chắc chắn, cơ bản không thích hợp để niêm yết trên thị trường.
Những công ty này chỉ dựa vào việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ để tìm cách "làm giàu" nhanh chóng, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả hoạt động kém sau đó.
Thị trường cổ phiếu Mỹ "dễ vào khó ra" khiến cho các công ty sau khi niêm yết phải đối diện với tiêu chuẩn minh bạch thông tin cao hơn và yêu cầu quản lý giám sát nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc.
Điều này khiến cho sự hào nhoáng về ngoài của không ít cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc dần lụi tàn, thậm chí phơi bày những vấn đề kinh doanh nghiêm trọng. Đến lúc đó nhiều nhà đầu tư mới tỉnh ngộ, song phần lớn "hẹ Tây" đã được thu hoạch.
Liệu nhà đầu tư có còn lòng tin đối với cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc?
Mặc dù cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc thu hoạch "hẹ Tây" của Mỹ không phải là vấn đề mới mẻ, song dường như sự nhiệt tình của các nhà đầu tư Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn không suy giảm trong nhiều năm qua.
Nửa đầu năm nay, tổng vốn huy động của các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc niêm yết ở Mỹ đã tăng lên 9,05 tỷ USD, so với mức 2,89 tỷ USD của năm 2020.
Tuy nhiên, liên tục những sóng gió gian lận tài chính liên quan đến các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc đã khiến cho giới chức Mỹ nâng cao cảnh giác, đồng thời yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên thị trường Mỹ và mức độ minh bạch thông tin của các công ty Trung Quốc.
"Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài" do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký cuối năm 2020 quy định, nếu một công ty nước ngoài không cho phép Uỷ ban giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB) kiểm tra báo cáo tài chính và kiểm toán trong 3 năm liên tục, thì cổ phiếu của công ty đó sẽ bị ngừng niêm yết.
Trong bối cảnh Mỹ-Trung leo thang đối đầu, Chính phủ Trung Quốc coi biện pháp này là hành vi xâm phạm đối với chủ quyền an ninh thông tin Trung Quốc, từ đó dẫn đến việc tăng cường quản lý giám sát đối với các công ty Trung Quốc, nhất là các công ty Internet đến Mỹ niêm yết.
Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lòng tin của nhà đầu tư.
Theo thống kê của Bloomberg, trong vòng 1 năm qua, giá trị thị trường của các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 130 tỷ USD.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của nền tảng giao dịch Oanda Corp, thẳng thắn đánh giá rằng không ai biết được đợt kiểm soát gắt gao này sẽ đạt đến mức độ nào và sau cùng sẽ kết thúc ra sao.
Rủi ro rất lớn, rất nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy không đáng để mạo hiểm. Ví dụ như ứng dụng Didi lập tức bị Trung Quốc điều tra ngay sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, điều này khiến Didi đối diện với cáo buộc "không công bố đầy đủ những rủi ro trước khi niêm yết."
Một số phân tích cho rằng, sự kiện này có thể mãi mãi làm thay đổi thái độ của nhà đầu tư đối với các công ty Trung Quốc đến Mỹ để niêm yết cổ phiếu.
Những rủi ro mà nhà đầu tư đối diện hiện nay, không chỉ đến từ tình trạng "tốt xấu lẫn lộn" của các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, mà còn đến từ động thái chính sách bất ngờ của giới chức Trung Quốc.
Vòng quản lý giám sát này không những xuất phát từ việc bảo vệ uy tín thị trường và nhà đầu tư, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm đọ sức chính trị và an ninh quốc gia.
Không đề cập đến các nhà đầu tư cổ phiếu phổ thông, ngay cả những nhà quản lý quỹ dày dạn kinh nghiệm cũng khó lường trước tình hình, sóng gió của vòng quản lý giám sát này sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu, và vòng tiếp theo sẽ đến vào lúc nào.
Trong bối cảnh đó, e rằng nhà đầu tư không phải là người quyết định liệu có thể thoát khỏi số phận bị "thu hoạch hẹ Tây" hay không./.