Cổ phiếu VietinBank lên sàn ngày 16/7

Ngày 16/7 tới, trên 121 triệu cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam sẽ được niêm yết tại HoSE.
Ngày 16/7 tới, trên 121 triệu cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (mã giao dịch CTG) có tổng trị giá trên 1.212 tỷ đồng sẽ chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo giới thiệu niêm yết cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) sáng 13/7 ở Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank - ông Phạm Huy Hùng khẳng định “các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VietinBank sẽ không bao giờ thất vọng khi đồng hành cùng VietinBank”.

Nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính-ngân hàng cùng chung nhận định, với thế mạnh là cổ phiếu của một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất hiện nay, CTG khi được đưa vào giao dịch sẽ góp phần bổ sung lượng hàng hóa chất lượng cao cho thị trường, tăng thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư, qua đó giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Với 50.000 đồng/cổ phiếu, CTG được giới chuyên gia đánh giá là có mức giá chào sàn rất “hợp lý” trong bối cảnh thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh.

Đại diện Standart Chartered Bank cho rằng việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp Vietinbank tiếp cận tốt hơn thị trường vốn nội địa, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh ra bên ngoài.

Được thành lập từ năm 1988, đến nay VietinBank có tổng vốn điều lệ gần 11.253 tỷ đồng, lớn thứ 2 ở Việt Nam, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 89,23% vốn điều lệ. Đây cũng là ngân hàng thương mại nhà nước thứ 2 được cổ phần hóa, sau Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt nam (VCB).

Có mạng lưới giao dịch ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và quan hệ với hơn 850 ngân hàng, định chế tài chính tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, VietinBank luôn khẳng định vị thế là ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hoạt động tín dụng và huy động tiền gửi đạt trung bình trên 35%/năm trong suốt giai đoạn 2002 - 2008. Tỉ lệ nợ xấu của VietinBank cũng đã giảm từ 1,38% hồi cuối năm 2006, xuống còn 1,09% vào cuối năm 2008.

Không chỉ vậy, VietinBank còn là một trong những ngân hàng có quy mô hoạt động lớn nhất tại Việt Nam, bằng việc chiếm 11,6% thị phần cho vay, 12% thị phần huy động vốn, 17% thị phần dịch vụ thẻ, 8,5% thị phần tài trợ thương mại nhập khẩu và 8% thị phần tài trợ thương mại xuất khẩu.

Cùng với việc triển khai dự án hiện đại hóa giai đoạn 2 và lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2009, lãnh đạo VietinBank còn đặt mục tiêu đến năm 2015, ngân hàng sẽ hoàn thiện tổ chức theo mô hình tập đoàn, đồng thời tiến hành IPO và niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế./.
Hồng Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục