Cần trị bệnh tận gốc

Con đường để thoát nợ của Hy Lạp vẫn còn dài

Việc chữa trị dứt điểm cho “con bệnh” nợ công Hy Lạp có lẽ không chỉ cần một toa thuốc cấp cứu mà rất cần một liệu pháp trị tận gốc.
Tiếp theo gói cứu trợ thứ nhất hồi đầu năm 2010, các nước đối tác của Hy Lạp trong khu vực đồng euro (Eurozone) lại vừa thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp.

Trước mắt, gói cứu trợ mới đã cứu Athens khỏi nguy cơ vỡ nợ, song vẫn có không ít nghi vấn được đặt ra về hiệu quả lâu dài của nó. Việc chữa trị dứt điểm cho “con bệnh” nợ công Hy Lạp có lẽ không chỉ cần một toa thuốc cấp cứu mà rất cần một liệu pháp trị tận gốc.

Athens đã được cứu nguy

Sau nhiều nỗ lực để đáp ứng tất cả những điều kiện khắt khe mà các nhà cho vay đặt ra, đất nước Hy Lạp đang ngập trong nợ nần cuối cùng cũng đã được bật đèn xanh nhận gói cứu trợ thứ hai từ các nước Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Kết thúc cuộc họp ngày 21/2, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã nhất trí về nguyên tắc đối với gói cứu trợ này đi kèm thỏa thuận hoán đổi nợ giữa Hy Lạp với các chủ nợ tư nhân. Mục tiêu mà các nhà tài trợ đặt ra cho Hy Lạp là phải giảm nợ công xuống mức 120,5% GDP vào năm 2020.

Gói cứu trợ được thông qua, các nhà lãnh đạo Hy Lạp ít nhất cũng đã thở phào nhẹ nhõm sau nhiều tuần đất nước đứng bên bờ vực vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói giờ đây Athens có thể đi tới con đường lành mạnh hóa lâu dài.

Khoản cứu trợ mới được hy vọng sẽ cho Hy Lạp thời gian thực hiện các cải cách rộng rãi và trở lại con đường tăng trưởng. Kinh tế nước này được dự báo sẽ giảm 4,5% trong năm 2012, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2014.

Nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội Hy Lạp trong thời điểm nhạy cảm này là phải thông qua một loạt dự luật liên quan đến thỏa thuận cứu trợ, nhằm thuyết phục các nhà cho vay tin rằng Athens đã sẵn sàng thực hiện mọi cam kết.

Ngày 23/2, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật về chương trình hoán đổi nợ. Tiếp theo, luật về các biện pháp khắc khổ và những cải cách cần thiết cũng lần lượt được phê chuẩn.

Thêm vào đó, trước thềm cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến vào tháng 4 tới, Hy Lạp sẽ phải sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo ưu tiên cho việc thanh toán những khoản nợ đáo hạn.

Theo nhận định của các quan chức IMF, Hy Lạp có thể phải chờ đợi khá lâu trước khi các quốc gia láng giềng có thể mở hầu bao để giải ngân các khoản vay. Trước mắt, các quan chức IMF và Eurozone cùng với giới lãnh đạo Hy Lạp sẽ mất vài tuần để hoàn tất những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận cứu trợ.

Thêm vào đó, IMF hiện vẫn chưa có quyết định về số tiền mà quỹ sẽ đóng góp vào gói cứu trợ, còn các quan chức châu Âu cũng phải một vài ngày tới mới nhóm họp để quyết định mức đóng góp của mỗi nước vào quỹ cứu trợ của khu vực.

Còn không nguy cơ vỡ nợ?

Dư luận vẫn đặt câu hỏi liệu kế hoạch cứu trợ mới có cứu được Athens khỏi nguy cơ vỡ nợ hay không. Ngay cả bộ ba nhà tài trợ là IMF, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong một báo cáo mới đây đã nhìn nhận không mấy chắc chắn về hiệu quả của kế hoạch cứu trợ, đồng thời dự báo về khả năng Hy Lạp không giữ được các cam kết, dẫn tới việc khó tránh khỏi một cuộc vỡ nợ trong tương lai.

Giới phân tích cho rằng Hy Lạp giờ đây cần có điều thần kỳ mới có thể đáp ứng được phần lớn các yêu cầu mà các nước đối tác ở châu Âu đặt ra. Việc hoán đổi nợ mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài để Hy Lạp hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống mức được yêu cầu, trong khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể sẽ khiến mục tiêu đó tuột khỏi tầm với.

Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở chính tại London nhận định việc thực hiện các điều khoản của gói cứu trợ sẽ là thách thức lớn đối với Hy Lạp, nhất là khi những điều khoản này rất không được lòng dân.

Trong khi đó, các nhà kinh tế thể hiện sự hoài nghi về kế hoạch cứu trợ Hy Lạp. Nhà kinh tế hàng đầu của Commerzbank, Joerg Kraemer, không cho rằng một gói cứu trợ như vậy là đủ. Ông lưu ý rằng riêng trong năm qua, Hy Lạp đã phải vay nợ mới tới gần 10% GDP, đưa tổng số nợ công hiện nay lên tương đương 160% GDP.

Mục tiêu hạ mức nợ xuống còn 120,5% GDP vào năm 2020 vẫn còn nhiều gấp đôi so với mức tối đa mà Hiệp ước Maastricht cho phép. Nếu không cải cách cơ cấu triệt để thì trong tương lai, Athens cũng không thể gánh được khoản nợ của mình.

Một lo ngại nữa liên quan đến gói cứu trợ mới là với chương trình hoán đổi nợ, các nhà đầu tư tư nhân sẽ không còn hứng thú đổ tiền đầu tư vào Hy Lạp. Cùng với đó, Hy Lạp có thể sẽ bị phong tỏa tại các thị trường quốc tế, ngay cả khi họ thực thi suôn sẻ các cam kết để được nhận cứu trợ. Các quan chức IMF lo ngại trong nhiều năm tới, Hy Lạp sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào sự “hảo tâm” của các nước láng giềng.

Quan trọng vẫn là tự lực

Các nước thành viên Eurozone đã không ngừng nỗ lực cứu giúp Hy Lạp, nhưng các phương thuốc đã dùng có vẻ vô hiệu. Vấn đề là để cứu Hy Lạp, bộ ba EU, ECB và IMF đã áp đặt nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng, đẩy Athens vào vòng luẩn quẩn: suy thoái - thất nghiệp - thâm hụt ngân sách.

Do đó, thay vì cứ mãi phụ thuộc vào sự giúp đỡ bên ngoài, Hy Lạp phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ bên trong, tức là cần cải cách kinh tế một cách sâu rộng để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.

Hy Lạp đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Tăng trưởng kinh tế giảm 16% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2008, trong khi các kế hoạch cắt giảm chi tiêu sẽ khiến kinh tế nước này tiếp tục giảm tốc.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục là 21%. Về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, khoảng cách trong khả năng cạnh tranh giữa Hy Lạp với các đối tác thương mại có thể phải mất cả thập kỷ mới có thể lấp đầy.

 Theo các nhà phân tích, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Hy Lạp cần thu hẹp lĩnh vực công, đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ hoặc tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này thông qua việc tăng năng suất hoặc cổ phần hóa.

Đồng thời, Athens cần đổi mới hệ thống thuế vốn chưa hiệu quả, khi dễ dàng gây ra tình trạng trốn thuế. Ngoài ra, nước này cần tập trung nhiều hơn vào nguồn thu ngoại tệ chính của nền kinh tế là du lịch, bên cạnh thúc đẩy việc sản xuất năng lượng cũng như tăng cường sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Munich, Hans-Werner Sinn, thậm chí đã đề cập đến giải pháp Hy Lạp tạm thời rút khỏi Eurozone.

Theo ông, khoản cho vay lãi suất thấp bằng đồng euro trên thực tế đã đẩy giá cả cũng như chi phí nhân công của nước này tăng lên.

Nếu tạm thời ra khỏi Eurozone, đồng drachma của Hy Lạp sẽ giảm giá mạnh so với đồng euro, giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng như dịch vụ du lịch của của nước này.

Sau đó, Hy Lạp có thể tái gia nhập Eurozone khi đã đạt được mức phát triển kinh tế, xã hội và chính trị cao hơn./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục