Còn nhiều ý kiến về xác định mức giảm trừ gia cảnh

Thảo luận về Luật thuế thu nhập cá nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến xác định mức giảm trừ gia cảnh.
Chiều 12/9, tiếp tục phiên họp lần thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần điều tiết thu nhập trong dân cư.

Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế như không còn phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân; chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trên thực tế; một số quy định về thủ tục chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, xác lập khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay để góp phần chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc xác định mức giảm trừ gia cảnh, đối tượng được giảm trừ gia cảnh, phương thức xác định mức giảm trừ gia cảnh.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không giới hạn số người phụ thuộc).

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế-xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế.

Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014, đồng thời để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thì việc nghiên cứu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong Dự thảo Luật từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế. Chưa kể sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo tính toán, nếu áp dụng mức đề xuất chịu thuế của Chính phủ từ 1/7/2013 (thời điểm dự kiến Luật có hiệu lực thi hành) thì thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng mức đề xuất của Chính phủ là "quá nhanh."

Trái với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần phải tính đến bản chất của thuế thu nhập. "Không thể đặt ra vấn đề cứ có thu nhập là phải chịu thuế mà phải xem thu nhập đến mức nào thì phải chịu thuế. Chưa kể, người lao động có thu nhập phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của họ ở một mức ngày càng tốt hơn. Nếu Chính phủ thấy có thể nâng mức chịu thuế đến 9 triệu mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì hoan nghênh chứ không nên chỉ lo tính mỗi năm ngân sách mất đi bao nhiêu tiền vì không thu thuế" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Tán thành với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phân tích thu nhập thực tế của người dân hoàn toàn giảm sút, lương có tăng lên thì với đà lạm phát hiện nay hoàn toàn không bù đắp được.

Hơn nữa, hiện nay Việt Nam cũng chưa công bố được mức sống tối thiểu, mức tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đến đâu thì chưa thể có căn cứ để quy định thuế thu nhập cá nhân ở mức bao nhiêu là hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng thể hiện sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng điều quan trọng là việc đóng thuế có đúng không, sử dụng thế nào cho hiệu quả, không gây lãng phí, không tham nhũng.

Về quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi giá cả biến động, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của Dự thảo luật về trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp về thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, song vẫn đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong xử lý các tình huống bất thường.

Các thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng dành nhiều thời gian thảo luận về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế; về biểu khung thuế suất; về việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh cá thể.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục