Công bố Cẩm nang Công nghệ Sản xuất Điện và Lưu trữ Điện năng

Trong khuôn khổ Chương trình DEPP3, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch xây dựng Cẩm nang Công nghệ Sản xuất Điện và Lưu trữ Điện năng; phiên bản cập nhật lần 3.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại Lễ Công bố. (Ảnh: Đức Dũng/Bnews/TTXVN)
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại Lễ Công bố. (Ảnh: Đức Dũng/Bnews/TTXVN)

Chiều ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Cẩm nang Công nghệ Sản xuất Điện và Lưu trữ Điện năng Việt Nam 2023 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cẩm nang gồm 2 ấn phẩm: Cẩm nang Công nghệ Sản xuất Điện và Cẩm nang Công nghệ Lưu trữ Điện năng, nhiên liệu tái tạo và chuyển đổi từ điện năng sang các dạng năng lượng khác (Power-to-X). Qua đó, giúp hỗ trợ cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023, dự kiến công bố vào quý 1/2024.

Đồng thời, được kỳ vọng là công cụ đắc lực trong việc lập, triển khai thực hiện các quy hoạch năng lượng và quy hoạch điện như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch Tổng thể phát triển Năng lượng Quốc gia, các quy hoạch khác có liên quan nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết trong giai đoạn 2020-2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 8,02% vào năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 20250. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) là rất cần thiết.

Trong khuôn khổ Chương trình DEPP3, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch xây dựng Cẩm nang Công nghệ Sản xuất Điện và Lưu trữ Điện năng. Sản phẩm được công bố tại sự kiện là phiên bản cập nhật lần thứ 3. Các phiên bản được giới thiệu trước đó vào năm 2019 và 2021 đã nhận được sự đánh giá cao.

Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng Việt Nam 2023, bao gồm một số nội dung được cập nhật, bổ sung như: công nghệ điện hạt nhân, dữ liệu một số công nghệ phát điện... Tài liệu cung cấp dữ liệu mới nhất, có độ tin cậy cao về các công nghệ phát điện và lưu trữ điện năng nhằm phục vụ công tác mô hình hóa dài hạn và phân tích hệ thống điện, năng lượng, tạo cơ sở xây dựng hiệu quả các chính sách năng lượng cho Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục