Ngày 25/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố “Sổ tay về công nghiệp hỗ trợ” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Sổ tay về công nghiệp hỗ trợ sẽ tập trung vào các nội dung như làm rõ thế nào là ngành công nghiệp hỗ trợ; đưa ra phương pháp đánh giá rủi ro kinh doanh đối với lĩnh vực đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; cung cấp những hiểu biết cơ bản về đầu tư máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp hỗ trợ và cung cấp các ví dụ về tiếp thị các khách hàng về công nghiệp hỗ trợ.
Theo đánh giá, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù đầu tư vào máy móc thiết bị chất lượng cao có ý nghĩa quyết định, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính thức như vốn vay ngân hàng.
Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, việc đánh giá rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn chưa phổ biến. Nguyên nhân do một phần là ngành công nghiệp hỗ trợ phải chịu những biến động trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực sản xuất toàn cầu và quốc gia. Bên cạnh đó, việc đầu tư máy móc thiết bị công nghiệp hỗ trợ có nhiều tính đặc thù kỹ thuật chuyên sâu nên nhiều các cán bộ ngân hàng không đủ tự tin để có thể hiểu biết thấu đáo.
Theo ông Manabu Tsurutani, Tư vấn trưởng Dự án tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn ba (SMEFP III), nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phục vụ công nghiệp hỗ trợ cho biết có kế hoạch sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư trong tương lai hơn so với các dự án đầu tư trong quá khứ. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Tìm hiểu lý do, ông Manabu Tsurutani cho biết việc khó khăn tiếp cận các nguồn tài chính, phần lớn các doanh nghiệp đều thừa nhận có các cản trở lớn như kế hoạch kinh doanh kém, thiếu các thông tin tài chính và thiếu tài sản thế chấp...
Về vấn đề này, các ngân hàng có thể chia sẻ các khó khăn như thiếu tài sản thế chấp, thiếu thông tin về bên vay tiềm năng và thiếu năng lực giám sát hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bằng cách hợp tác với bên thứ ba, thí dụ như các công ty bán máy móc thiết bị. Bởi các công ty này sẽ có thông tin về các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, các công ty bán máy móc thiết bị sẽ có chuyên môn trong việc đánh giá hiệu quả của việc đầu tư máy móc và thậm chí hiểu về các khách hàng...
Do đó, các công ty cung cấp máy móc có thể bù đắp vào những phần còn yếu kém của các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngược lại, các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty cung cấp máy móc trong việc thẩm định tín dụng nhanh hơn và áp dụng các điều kiện vay tốt để các công ty cung cấp có thể phục vụ khách hàng với các giải pháp tổng thể tốt hơn, bao gồm giải pháp về tài chính./.