Công dân châu Âu bị yêu cầu rời khỏi Ấn Độ sau khi tham gia biểu tình

Bà Janne-Mette Johansson, công dân Na Uy, cho biết đã bị nhà chức trách Ấn Độ yêu cầu rời khỏi nước này sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA).
Công dân châu Âu bị yêu cầu rời khỏi Ấn Độ sau khi tham gia biểu tình ảnh 1Bà Janne-Mette Johansson. (Nguồn: ndtv.com)

Bà Janne-Mette Johansson cho biết sẽ rời Ấn Độ đi Dubai vào tối 27/12 và sau đó bay tới Thụy Điển.

Hãng thông tấn PTA của Ấn Độ dẫn lời một quan chức của Văn phòng đăng ký khu vực ngoài nước ngoài khẳng định bà Johansson đã vi phạm quy định về thị thực.

Trước đó, Jakob Lindenthal một nhà nghiên cứu vật lý người Đức tại bang Chennai, miền Nam Ấn Độ cũng bị yêu cầu rời khỏi nước này sau khi tham gia một cuộc biểu tình và có những tuyên bố tiêu cực về CAA.

Ngày 19/12 vừa qua, chiểu theo Điều 144 Luật tố tụng hình sự (CrPC) về luật giới nghiêm, Ấn Độ đã ban bố lệnh giới nghiêm tại nhiều địa điểm do các cuộc biểu tình lan rộng chống CAA.

Lệnh hạn chế của Chính phủ Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối đạo luật trên đã biến thành bạo lực và lan sang nhiều trường đại học trên cả nước khi các sinh viên và người dân xuống đường phản đối chính phủ.

Những người phản đối cho rằng đạo luật này vi hiến. Tuy nhiên, ngày 18/12, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã bác bỏ đề nghị hoãn triển khai CAA, đồng thời cho biết sẽ xem xét các yêu cầu phản đối đạo luật trên trong phiên tòa ngày 22/1/2020.

Luật Quốc tịch sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Ấn Độ thông qua ngày 11/12 vừa qua, cho phép nhập quốc tịch đối với những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số của Pakistan, Afghanistan và Bangladesh nhập cư trái phép vào Ấn Độ trước ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên, người Hồi giáo không nằm trong diện này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục