Trong cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn các di sản âm nhạc dân tộc không hề đơn giản, ở Việt Nam đã khó, tại nước ngoài còn khó hơn gấp bội.
Phóng viên TTXVN tại Đức đã tham dự một buổi tập của các nghệ sỹ nhằm chuẩn bị cho các tiết mục âm nhạc biểu diễn tại lễ ra mắt Quỹ Đào Minh Quang ở thủ đô Berlin.
Quỹ này được thành lập với mục đích thực hiện các hoạt động từ thiện và công ích; trong đó có khuyến khích tài năng âm nhạc, đặc biệt trong việc bảo tồn các làn điệu dân ca Việt Nam và Đức cũng như khuyến khích trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước.
Các làn điệu dân ca quen thuộc với người Việt như "Bèo dạt mây trôi," "Trống cơm," "Ru con" được các nghệ sỹ Việt Nam và Đức cất lên bằng cả hai thứ tiếng Việt và Đức.
Bên cạnh đó, một số bài dân ca của Đức cũng được các nghệ sỹ tập luyện và biểu diễn.
Hoạt động này nhằm hướng tới việc duy trì và thúc đẩy dòng chảy âm nhạc dân tộc trong đời sống hiện đại, đặc biệt ở giới trẻ người Việt và người Đức.
Tham gia dự án có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Đức trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật như giáo sư Âm nhạc Đặng Ngọc Long; nghệ sỹ Lê Minh Quân, Trần Phương Hoa, Lê Thị Thanh, Lê Mạnh Hùng, Đào Xuân Phương; tiến sỹ-dịch giả văn học Trương Hồng Quang và tiến sỹ Đào Minh Quang.
"Tôi muốn hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo phổ thông ở Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Phú Thọ, đào tạo đại học, đào tạo nghề; khuyến khích các hoạt động âm nhạc, hoạt động văn hóa cũng như trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước Đức và Việt Nam. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh việc gìn giữ và phát triển các làn điệu dân ca Đức Việt," ông Đào Minh Quang - người sáng lập quỹ cùng tên, chia sẻ.
Trong thời gian tới, Quỹ Đào Minh Quang sẽ ký thỏa thuận với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ các tài năng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Một số bạn bè người Đức cũng nhiệt tình tham gia tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca, dù tiếng Việt và các bài hát bằng tiếng Việt thực sự là một thử thách lớn đối với họ.
"Tôi rất yêu các bài hát Việt Nam và đã học để hát các làn điệu dân ca. Bắt đầu cũng hết sức khó khăn, tôi phải học các phát âm từng từ để có thể đọc được lời bài hát, rồi sau đó mới học cách để hát cả bài. Thực sự là rất thú vị," luật sư người Đức Joerg Sebald tâm sự.
Tại Đức, cộng đồng người Việt có khoảng 130.000 người đang sinh sống, học tập, tập trung tập trung phần lớn ở Thủ đô Berlin. Tuy nhiên, thế hệ con, cháu người Việt sinh ra và lớn lên tại đây lại chủ yếu sử dụng tiếng Đức trong cuộc sống hàng ngày, khiến vốn tiếng Việt ở đây ngày càng phai dần.
Theo giáo sư Âm nhạc Đặng Ngọc Long, "nhạc Việt tại Đức nói chung và đối với giới trẻ nói riêng dần dần bị quên lãng, nhất là các bài hát, các làn điệu dân ca Việt Nam.
Trong các phần phối, làm sao cân bằng được giữa những người làm công tác âm nhạc và những khán giả bình thường để người ta có thể thưởng thức được là điều không đơn giản."
Để bảo tồn được âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các làn điệu dân ca trong cộng đồng người Việt ở Đức là một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi tâm huyết, thời gian, tiền bạc và sự chung sức của nhiều người.
Sự ra đời của Quỹ Đào Minh Quang, với các hoạt động hướng về giáo dục và âm nhạc, là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của âm nhạc dân tộc, ở Việt Nam và đặc biệt là ở Đức./.