Công nhân ngành luyện kim tại Đức tiếp tục đình công ngày thứ ba

Gần 200.000 công nhân của hơn 100 công ty, bao gồm hãng chế tạo xe tải MAN, hãng ôtô Ford, đã tham gia cuộc đình công từ ngày 31/1 đến nay.
Công nhân ngành luyện kim tại Đức tiếp tục đình công ngày thứ ba ảnh 1Công nhân ngành luyện kim tại Đức. (Nguồn: Bild)

Ngày 2/2, cuộc đình công của công nhân ngành luyện kim tại Đức, trong đó có công nhân của các hãng chế tạo ôtô Mercedes-Benz, Porsche và hãng chế tạo máy bay Airbus, theo lời kêu gọi của nghiệp đoàn lao động IG Metall đã bước sang ngày thứ 3.

IG Metall dự kiến kết thúc cuộc đình công nói trên vào tối cùng ngày, sau đó sẽ cân nhắc liệu có tiếp tục kéo dài cuộc bãi công hay không.

Gần 200.000 công nhân của hơn 100 công ty, bao gồm hãng chế tạo xe tải MAN, hãng ôtô Ford, đã tham gia cuộc đình công từ ngày 31/1 đến nay. Dự kiến cuối ngày 2/2, sẽ có tới 260 công ty có công nhân tham gia đình công.

Đây là bước đi lớn đầu tiên của IG Metall nhằm thúc đẩy sự điều chỉnh về giờ làm của công nhân kể từ sau khi cuộc đình công kéo dài 7 tuần vào năm 1984, vốn đã buộc giới chủ phải chấp nhận cắt giảm giờ làm xuống còn 35 giờ/tuần.

Với việc trung bình có tới gần 50.000 công nhân đình công mỗi ngày, Viện nghiên cứu kinh tế DIW ước tính các công ty có liên quan có thể thiệt hại tới 62 triệu euro (77 triệu USD)/ngày.

Cả IG Metall và giới chủ sử dụng lao động đều khẳng định rằng họ sẵn sàng tham dự cuộc đối thoại vào đầu tuần tới nhưng cũng cáo buộc lẫn nhau không có thiện chí chấp nhận các nhượng bộ cần thiết.

Viện dẫn mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong vòng 6 năm qua và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục tại Đức, IG Metall hiện đang yêu cầu giới chủ tăng 8% lương trong vòng 27 tháng đối với 3,9 triệu công nhân ngành luyện kim và kỹ thuật của nước này.

Đồng thời, nghiệp đoàn này cũng yêu cầu công nhân được quyền hưởng chế độ giảm giờ làm việc từ 35 giờ/tuần xuống còn 28 giờ/tuần để chăm sóc con cái, cha mẹ già, người thân ốm đau cũng như được đảm bảo quyền trở lại làm việc toàn thời gian sau hai năm.

Giới chủ đã đưa ra mức đề nghị tăng 6.8% lương nhưng bác bỏ yêu cầu giảm giờ làm trừ phi họ được phép tăng giờ làm khi cần thiết. Họ cũng từ chối yêu cầu cho rằng cần phải bổ sung một khoản tiền bù đắp sự thiệt thòi đối với những công nhân chấp nhận làm việc bán thời gian.

Với khoảng 2,3 triệu thành viên, IG Metall là nghiệp đoàn lớn nhất châu Âu, đại diện cho các công nhân trong mọi tổ hợp công nghiệp như Siemens hay Thyssenkrupp, ngành sản xuất thép, sản xuất ôtô, linh kiện điện tử và dệt may.

Riêng khu vực luyện kim và điện tử có 3,9 triệu công nhân. Họ thường là người tiên phong trong các thỏa thuận về lương bổng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục