Công tác cán bộ nếu để càng lâu sẽ khó làm, nhiều tiêu cực xảy ra

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau ở chỗ là bỏ phiếu tín nhiệm chính là hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều Đại biểu Quốc hội đã có góp ý để làm rõ hơn việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân bầu hoặc phê chuẩn.

Lo ngại e dè, nể nang trong quá trình lấy phiếu, bỏ phiếu

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vào chiều 9/6, góp ý bản dự thảo này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng cần bổ sung thêm các nhận định, đánh giá kỹ lưỡng hơn về tính thực chất, khách quan trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

“Đặc biệt trong báo cáo dự thảo cũng chưa đề cập đến sự e dè, nể nang của các đại biểu trong quá trình lấy phiếu, bỏ phiếu, trong khi tâm lý này rất dễ xảy ra và khó tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chất lượng của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm,” bà Nga nói.

Bà cũng nêu quan điểm các báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Mặt trận Tổ quốc nên đưa vào thành phần hồ sơ cứng để các Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân xem xét, nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nga đề nghị cần làm rõ việc lấy tổng số đại biểu sử dụng làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm thì có tính đại các đại biểu vắng mặt tại phiên họp bỏ phiếu, bởi sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhất là trong trường hợp tỷ lệ có chênh lệch ít các mức trên dưới 50%, trên dưới 2/3 tổng số đại biểu.

[ĐBQH: Lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ]

Đề cập đến Điều 12 khoản 1 những người số phiếu tín nhiệm thấp từ khoảng 1/2 cho đến 2/3 thì có thể xin từ chức luôn hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ gần nhất, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng nên bỏ phiếu tín nhiệm lại tại kỳ họp đó.

Lý giải thêm, theo ông Trí, trong công tác tổ chức cán bộ nếu để càng lâu càng khó làm, nhiều tiêu cực sẽ xảy ra. Ngoài ra, một khóa Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cũng chỉ có một lần. Vì vậy, nếu lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn là tốt nhất.

Nhìn nhận việc bỏ phiếu tín nhiệm khi cá nhân bị bỏ phiếu tín nhiệm không còn đủ tín nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng quy định miễn nhiệm như dự thảo là chưa phù hợp mà các trường hợp này phải bị bãi nhiệm.

Phân tích dự thảo nghị quyết chỉ đề cập đến 3 loại hệ quả dành cho người có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức độ cao, đó là cho từ chức, bỏ phiếu tín nhiệm và miễn nhiệm, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng chỉ ra vẫn còn 3 mục đích khác đó là đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch và bố trí công tác khác thấp hơn thì chưa thấy được thể hiện trong dự thảo.

Sẽ tiếp thu, rà soát, bổ sung trong dự thảo

Tiếp thu giải trình, làm rõ một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau ở chỗ là bỏ phiếu tín nhiệm chính là hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đối với thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bà Thanh thông tin, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và Hội đồng Nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023, đối chiếu với Quy định số 96 và tổng kết thực tiễn cho thấy quy định về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như trên là hợp lý. Người lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện nhiệm vụ đã được nửa nhiệm kỳ và việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành từ trung ương tới địa phương.

[Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm: Nâng cao trách nhiệm từ ba phía]

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, bà cho rằng trong dự thảo nghị quyết này cũng đã thể hiện rất rõ những nội dung và đã bám sát Quy định số 96, cán bộ không nhận được sự tín nhiệm của đại biểu, có nghĩa là có trên 2/3 tín nhiệm thấp hoặc trên 50% không tín nhiệm thì tiến hành xử lý bằng hình thức miễn nhiệm chức vụ theo quy định.

Công tác cán bộ nếu để càng lâu sẽ khó làm, nhiều tiêu cực xảy ra ảnh 1Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Một số nội dung các đại biểu có nêu các hệ quả của việc lấy phiếu và bỏ phiếu như là không đưa ra khỏi quy hoạch, việc bố trí cán bộ ở vị trí thấp hơn, chúng tôi xin được rà soát, tiếp thu và bổ sung một cách hợp lý,” vị Trưởng Ban Công tác đại biểu nói.

Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục