Công tác tái thiết sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt thách thức

Công tác tái thiết sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt nhiều thách thức do tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt khi số lượng công trình xây dựng tăng mạnh sau thảm họa.
Công tác tái thiết sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt thách thức ảnh 1Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/2/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hơn 2 tháng sau trận động đất kinh hoàng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này đang gấp rút cho xây dựng hàng chục nghìn dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng trong khu vực bị ảnh hưởng để kịp mục tiêu hoàn thành trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này như cam kết của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đối mặt nhiều thách thức do tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt khi số lượng công trình xây dựng tăng mạnh sau thảm họa.

Theo Cơ quan Quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất ngày 6/2 ảnh hưởng đến hơn 13 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh của nước này và rất nhiều người hiện vẫn chưa có nhà ở. AFAD cho biết sẽ xây dựng 650.000 nhà ở mới có khả năng chống chịu động đất tại các thành phố chịu thiệt hại do trận động đất trên.

Tuần trước, Bộ trưởng Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn thiện 319.000 nhà ở vào cuối tháng 5 tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quy mô lực lượng lao động không đủ để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ của rất nhiều dự án. Các chuyên gia kêu gọi sớm giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nước này thông qua đào tạo nguồn nhân lực mới và cải thiện điều kiện làm việc.

Ông Hasan Kirlangic, Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, năm 2018, nước này có gần 2,3 triệu công nhân xây dựng. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh xuống còn gần 1,5 triệu người sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

[Các nhà tài trợ cam kết viện trợ 7 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria]

Ông Kirlangic giải thích: “Xây dựng là công việc nặng nhọc và lực lượng lao động giảm do mức lương tương đối thấp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu công nhân mới là do thiếu đào tạo.”

Ông cảnh báo tình trạng thiếu lao động ngành xây dựng trở nên trầm trọng hơn sau thảm họa động đất hồi tháng 2 và số lượng công nhân xây dựng hiện tại không đủ để đáp ứng mục tiêu xây hơn 600.000 nhà ở mới.

Do đó, ông Kirlangic kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp cải thiện vấn đề lương và điều kiện làm việc cho công nhân xây dựng để có thể khôi phục số lượng lao động trong ngành này.

Đầu tháng này, phát biểu trước ủy ban điều tra của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdal Eren, cũng nhấn mạnh tình trạng không có đủ lực lượng lao động để xây dựng nhà ở trong vùng động đất theo thời hạn do chính phủ đặt ra.

Ông Eren cho biết ngành xây dựng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động, do đó cần tăng số lượng trường đào tạo, dạy nghề trong lĩnh vực này.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/3 cho biết các trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai vừa qua sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Syria giảm 5,5% trong năm 2023 và nước này cần 7,9 tỷ USD trong 3 năm để tái thiết.

Trước đó, WB đã dự báo GDP trong năm 2023 của Syria sẽ giảm 3,2% do xung đột vũ trang tiếp diễn, giá năng lượng và lương thực tăng cao cũng như tình trạng hạn hán dẫn đến mất mùa.

Các tác động tiêu cực của động đất khiến GDP của Syria thu hẹp thêm 2,3% nữa, theo đó giảm 5,5% trong năm nay, khiến tình hình nước này tồi tệ hơn nữa sau 12 năm xung đột.

Theo báo cáo Đánh giá nhanh về thiệt hại và nhu cầu của WB, thảm họa động đất vừa qua khiến Syria thiệt hại tổng cộng 5,2 tỷ USD, bao gồm 3,7 tỷ USD về hạ tầng và 1,5 tỷ USD về các vấn đề kinh tế liên quan khác.

Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở, giao thông, môi trường và nông nghiệp. Theo WB, trong số 7,9 tỷ USD ước tính cần để tái thiết, cần dùng 3,7 tỷ USD trong năm đầu tiên và 4,2 tỷ USD sử dụng 2 năm tiếp theo. Trong số đó, ngành nông nghiệp có nhu cầu lớn nhất (27%), tiếp theo là nhà ở (18%), bảo trợ xã hội (16%) và giao thông (12%)./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục