Ngày 8/3, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Darktrace nêu rõ công cụ ChatGPT, do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, có thể đã làm gia tăng mức độ tinh vi của các vụ lừa đảo qua thư điện tử (e-mail), cho phép tin tặc tiến hành các vụ tấn công nhắm mục tiêu với xác suất thành công lớn hơn.
Cũng theo Darktrace, các vụ tấn công mạng qua e-mail nhằm vào các khách hàng của công ty này không tăng quá mạnh sau khi ChatGPT ra mắt và số lượng email chứa liên kết độc hại đã giảm.
Tuy nhiên, Darktrace cho biết "độ phức tạp về ngôn ngữ" của những e-mail này, bao gồm dấu chấm câu, độ dài câu và khối lượng văn bản, đã gia tăng. Điều này cho thấy tội phạm mạng có thể đang chuyển hướng tập trung sang tạo ra các thủ đoạn lừa đảo tinh vi và phức tạp hơn nhằm khai thác lòng tin của người dùng.
Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây.
[Meta duy trì chiến lược cung cấp công cụ AI phục vụ nghiên cứu]
Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.
Đầu tháng này, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton, cho biết EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.
Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho người dân./.