COVID-19: Hàn Quốc chưa phát hiện ca nhiễm chéo từ bệnh nhân nhập cảnh

Kể từ ngày 1/4, Hàn Quốc chưa ghi nhận ca nhiễm chéo nào từ người bệnh (phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh), cho thấy Seoul đang làm tốt công tác phòng dịch ngay từ khâu nhập cảnh.
Một trạm kiểm dịch y tế nhập cảnh ở sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 27/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một trạm kiểm dịch y tế nhập cảnh ở sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 27/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/4, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, kể từ thời điểm chính phủ nước này áp dụng biện pháp "tự cách ly bắt buộc" 14 ngày tại nhà với toàn bộ người nhập cảnh từ ngày 1/4 vừa qua, chưa xuất hiện ca nhiễm chéo nào từ người bệnh (phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh) được ghi nhận.

Điều này cho thấy Hàn Quốc đang làm tốt công tác phòng dịch ngay từ khâu nhập cảnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thông báo của KCDC nêu rõ tất cả hành khách sau khi xuống máy bay, trải qua khâu kiểm dịch tại sân bay phải về thẳng nơi ở hoặc được đưa về nơi cách ly bắt buộc bằng xe buýt riêng hoặc tàu cao tốc (KTX) có khoang hành khách dành riêng.

Trước thời điểm ngày 1/4, số ca nhiễm phát hiện tại sân bay nhiều nhất trong ngày là 15 ca, gần đây đã giảm còn khoảng 5 ca/ngày và đang có chiều hướng giảm.

Số lượng khách nhập cảnh Hàn Quốc hằng ngày cũng có xu hướng giảm dần. Trong tháng Ba vừa qua, trung bình mỗi ngày Hàn Quốc đón khoảng từ 7.000-8.000 người nhập cảnh, song thời gian gần đây giảm còn 2.000-3.000 người/ngày.

Trong khi dịch COVID-19 tại Mỹ và các nước châu Âu vẫn có chiều hướng lan rộng thì tình hình tại Hàn Quốc đã được kiểm soát ổn định.

Chính phủ nước này cho biết đã có khoảng 40 quốc gia yêu cầu Seoul giúp đỡ về kinh nghiệm phòng dịch, kiểm dịch, chính sách quản lý cách ly, hỗ trợ các bộ kit chẩn đoán nhanh và vật tư y tế...

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thành lập nhóm chuyên trách cấp trung ương về hợp tác quốc tế phòng dịch COVID-19, chia sẻ kinh nghiệm với các nước một số vấn đề chủ chốt, trong đó có mô hình xét nghiệm lưu động "Drive-thru."

Với mô hình này, những người có triệu chứng nghi nhiễm chỉ cần lái xe tới trung tâm lưu động, không cần ra khỏi xe mà chỉ cần hạ kính xe để nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm. Toàn bộ quá trình mất khoảng 10 phút.

Số liệu thống kê của KCDC ngày 23/4 cho thấy, với 8 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện (4 ca từ nước ngoài nhập cảnh), tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở nước này là 10.702 người.

Số ca tử vong cũng tăng thêm 2 ca lên 240 người, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.

[Hàn Quốc công bố các nguyên tắc mới trong phòng, chống dịch COVID-19]

Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 131 người, nâng tổng số người bình phục lên thành 8.411, đạt tỷ lệ khỏi bệnh gần 80%.

Do tác động của dịch COVID-19, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận vấn đề cắt giảm tiền lương các cầu thủ bóng đá.

Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Hàn Quốc (KPFA) đã phản đối việc cầu thủ bị giảm lương mà không hề đồng ý trước, và đề xuất sẽ đưa ra thảo luận chính thức với Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc và câu lạc bộ.

Hiệp hội này dự kiến sẽ thảo luận vấn đề vào tháng tới, xoay quanh các nội dung tỷ lệ cắt giảm tiền lương của các cầu thủ và trong bao lâu.

Đây là động thái chưa từng có tiền lệ nên cũng sẽ không có tiêu chuẩn hay ví dụ quy chiếu để tham khảo.

Trong một diễn biến liên quan, Câu lạc bộ bóng đá Suwon FC đã quyên góp 10% lương của cầu thủ cho chính quyền thành phố Suwon.

Giải bóng đá K-League 2020 dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5 tới sau khi bị hoãn vô thời hạn do dịch COVID-19 lan rộng tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, tại Australia, tính đến sáng 23/4, tổng số ca mắc COVID-19 đang là 6.654 người, chỉ tăng 7 ca (0,1%) so với một ngày trước đó. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất tại nước này kể từ ngày 6/3 vừa qua.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia đã đạt được "tiến bộ rất tốt" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đồng thời khẳng định nền kinh tế nước này đang trên đà trở về mức "an toàn với COVID." Tuy nhiên, ông cảnh báo số ca tử vong có thể tăng nếu người dân lơ là, chủ quan.

Theo trang worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Australia ghi nhận 75 trường hợp tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục