Theo Đài Sputnik/thehill, Mỹ đang dần mất điểm trong bảng xếp hạng các cường quốc hàng đầu được các quốc gia khác tán thành.
Theo khảo sát của công ty xã hội học Gallup của Mỹ, hầu hết những người được hỏi từ 135 quốc gia đều tán thành các hoạt động của lãnh đạo Đức (44%). Mỹ đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng nhưng tụt sau với khoảng cách xa (33%).
Công ty Gallup lập bảng xếp hạng về mức độ tán thành đối với hoạt động của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới từ năm 2007.
Bảng xếp hạng này phản ánh thái độ của người trả lời từ 135 quốc gia đối với Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nga. Tại mỗi quốc gia, công ty chọn ra 1.000 người để thăm dò ý kiến. Họ được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Bạn có tán thành chất lượng công việc của lãnh đạo đất nước hay không?”
Tụt hạng sau khi ông Donald Trump nhậm chức
Giai đoạn 2009-2016, Mỹ là quốc gia nhận được nhiều sự tán thành nhất của công chúng trên thế giới giới. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump nhậm chức, chỉ số xếp hạng của đất nước bắt đầu giảm mạnh.
Năm 2017, tỷ lệ những người tán thành hoạt động của chính quyền Mỹ đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ ở mức 30%. Sau đó, chỉ số này tăng nhẹ, nhưng như kết quả cuộc khảo sát hiện tại cho thấy thì vẫn ở mức thấp, tức 33%.
Đáng chú ý là trong số các quốc gia là đồng minh truyền thống của Mỹ, chính quyền Mỹ có mức xếp hạng thấp nhất. Ở châu Âu, trung bình tỷ lệ số người tán thành hoạt động của chính phủ Mỹ là 24%, ở Australia là 23%.
Ở một số nước, ví dụ như Đức, tỷ lệ những người tán thành hoạt động của chính quyền Mỹ không vượt quá con số 12%. Mỹ nhận được sự ủng hộ nhiều nhất ở châu Phi, với 52% số người được hỏi ủng hộ chính quyền Mỹ.
[Tổng thống Mỹ không thể cùng giải quyết vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc]
Tuy nhiên, nếu xét về góc độ lịch sử, Mỹ cũng đang mất dần uy tín ở đây. Năm 2009, 85% số người được hỏi ở châu Phi bày tỏ tán thành hoạt động của tổng thống Mỹ và chính quyền.
Ngược lại, Trung Quốc cho thấy uy tín của nước này trong cộng đồng thế giới đang tăng lên chậm nhưng ổn định. Nếu năm 2009 chỉ có 25% số người được hỏi tán thành hoạt động của Trung Quốc, thì năm 2015 con số này đã vượt quá 30%.
Kết quả thăm dò hiện tại cho thấy hoạt động của Trung Quốc được 32% số người được hỏi tán thành, trong khi Mỹ chỉ hơn có 1%. Mặc dù Tổng thống Trump đã nhiều lần cam kết khôi phục vị thế của Mỹ như một nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả trong việc được công chúng tán thành, song điều này vẫn chưa xảy ra.
Lý do dẫn tới kết quả khảo sát tiêu cực như trên
Năm nay, vị thế của Mỹ trên thế giới chủ yếu được xác định trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) lây lan trên toàn cầu. Mỹ, với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới, phải phối hợp và lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.
Thay vào đó, họ thất bại ngay cả trong việc đối phó với sự lây lan của dịch bệnh ở ngay trong nước. Ông Cui Lei, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Trung Quốc, đánh giá: “Kết quả tiêu cực của cuộc khảo sát đối với Mỹ trước hết liên quan tới dịch bệnh. Mỹ đã phản ứng quá chậm với sự lây lan của COVID-19. Và họ đã không thể thực hiện các biện pháp cứng rắn để khởi động lại nền kinh tế trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát."
Theo ông Cui Lei, ngoài ra còn có sự bất mãn liên quan tới hành vi của Mỹ trên trường quốc tế. Là một cường quốc, Mỹ phải điều phối và lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.
Tuy nhiên, thay vào đó, Mỹ bắt đầu trút trách nhiệm cho các nước khác và thậm chí đã ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tất cả điều này tạo ra cảm giác trong cộng đồng quốc tế là vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ bắt đầu lung lay.
Ngược lại, Đức đã thể hiện mình rất tốt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Họ đã đối phó với dịch bệnh tốt hơn Mỹ, thực hiện các biện pháp tích cực ở giai đoạn sớm nhất.
Và sau Đức, các nước châu Âu khác cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp tích cực. Đức không chỉ tích cực giúp chống lại sự lây nhiễm ở châu Âu mà còn hỗ trợ tài chính cho WHO để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Mỹ có lẽ đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của COVID-19. Vào thời kỳ đầu, khi cần thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ phía những quan chức Mỹ đã có những ý kiến nghi ngờ rằng COVID-19 nguy hiểm hơn dạng cúm mùa thông thường.
Trái lại, ngay từ đầu, Đức đã tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, và đây là lý do vì sao đất nước này thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo chuyên gia Cui Lei, thành công của mỗi quốc gia trong cuộc chiến chống dịch bệnh trở thành chỉ số cho phần còn lại của cộng đồng thế giới vì nó xác định khả năng và tiềm năng của đất nước này. Do đó, tình hình tiếp theo đây trong bảng xếp hạng sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ chứng tỏ khả năng của bản thân mình trong cuộc chiến chống COVID-19.
Chuyên gia Cui Lei nói: “Tôi nghĩ mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia đối phó với dịch bệnh, cách họ tham gia vào hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, nếu Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp tiếp theo để tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới, thì vị thế lãnh đạo của quốc gia này theo đó sẽ dần suy yếu. Đồng thời, nếu Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào hợp tác quốc tế, trong trường hợp này, sự sắp xếp các vị trí trong bảng xếp hạng sẽ còn có thể thay đổi một lần nữa.”
Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump cũng sụt giảm
Việc chiến thắng COVID-19 sẽ giúp Mỹ cải thiện uy tín trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của mạng tin The Hill, Tổng thống Trump dường như không có kế hoạch chiến đấu với đại dịch.
Hy vọng của ông Trump là có thể thuyết phục người dân Mỹ phớt lờ dịch bệnh và quay trở lại cuộc sống bình thường bằng cách cho mở cửa trở lại nền kinh tế trong khi đại dịch chưa có dấu hiệu giảm xuống. Vấn đề là tâm lý thận trọng của người dân mâu thuẫn với việc Tổng thống Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro về sức khỏe để thúc đẩy những lợi ích chính trị cá nhân.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đã cho thấy đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump.
Fox News Channel đặt tít "Ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump trong khi cả nước lo ngại về dịch COVID-19."
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Trump 8 điểm (tỷ lệ ủng hộ của ông Biden và ông Trump lần lượt là 49% và 41%). Cứ 5 người Mỹ thì có 1 người (tỷ lệ 20%) cảm thấy đại dịch COVID-19 "gần như" hoặc "hoàn toàn" được kiểm soát.
Cuộc thăm dò của hãng tin ABC còn đem lại tin tức xấu hơn cho tổng thống đương nhiệm. 64% người Mỹ được hỏi nói rằng họ không tin vào những tuyên bố chính thức của Tổng thống Trump về đại dịch. Những người được hỏi cũng nói rằng họ ưu tiên việc chống dịch hơn là mở cửa trở lại nền kinh tế.
Còn chưa đầy 100 ngày nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống, cũng là cuộc trưng cầu ý dân về cách thức đối phó với đại dịch COVID-19 của Tổng thống Trump, và những chỉ dấu sớm kể trên thực sự gây rắc rối cho tổng thống đương nhiệm./.