COVID-19: Pháp đóng cửa trường học, cấm tụ tập từ trên 100 người

Một loạt các nước châu Âu đã ban bố tình trạng khẩn cấp, siết chặt hạn chế giao thông công cộng, hủy bỏ các sự kiện hội họp đông người và ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa.
COVID-19: Pháp đóng cửa trường học, cấm tụ tập từ trên 100 người ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Phát biểu trên truyền hình (Nguồn: THX/ TTXVN)

Trong bối cảnh số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên tục gia tăng tại châu Âu, đặc biệt số người tử vong tại Italy đã lên tới trên 1.000 người, nhiều nước tại châu lục đã quyết định đưa ra biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn để phòng chống dịch bệnh lây lan.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, sau khi Italy đưa ra các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại trên toàn bộ đất nước, ngày 13/3, nhiều nước châu Âu khác cũng đã công bố các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban bố tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại nước này trong một thế kỷ qua, đồng thời yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và đại học trên phạm vi cả nước cho tới khi có lệnh mới.

Pháp đã đưa ra quy định cấm các cuộc hội họp có quy mô từ 100 người trở lên. Lệnh cấm trước đó áp dụng với các cuộc hội họp có sự tham gia của 1.000 người.

Ireland cũng thông báo đóng cửa nhà trẻ, trường học và trường đại học và triển khai phương thức học và dạy học từ xa. Các cơ sở văn hóa sẽ được đóng cửa.

Ngoài ra, Ireland cũng quy định hủy bỏ các sự kiện hội họp trong nhà có hơn 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời trên 500 người tham gia.

Chính phủ Bỉ cũng đã ra các quy định nghiêm ngặt để phòng chống lây lan SARS-CoV-2 như tạm ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa; các sàn khiêu vũ, quán bar, cà phê và nhà hàng đều phải đóng cửa; các cửa hàng như siêu thị, hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm sẽ được mở cửa trong tuần và cuối tuần; các cửa hàng khác sẽ mở trong tuần và đóng cửa cuối tuần; các trường học sẽ tạm thời đóng cửa cho tới khi có lệnh mới, tuy nhiên, vẫn duy trì dịch vụ trông trẻ đối với học sinh có bố mẹ đi làm.

[Các nước châu Âu ''căng như dây đàn" trước dịch bệnh COVID-19]

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đặt nước này trong tình trạng báo động để huy động các lực lượng hiến binh, cảnh sát và quân đội trong nỗ lực kiểm soát lây lan virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 12/3 đã thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ và đại học từ ngày 16/3 tới.

Bồ Đào Nha từng ban bố tình trạng báo động để tạo điều kiện cho hoạt động ứng phó với cháy rừng hoặc ngăn chặn thiếu hụt nhiên liệu do các cuộc đình công của lái xe chở dầu.

COVID-19: Pháp đóng cửa trường học, cấm tụ tập từ trên 100 người ảnh 2Khu vực cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-10 tại bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 10/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm COVID-19. Giới chức đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở.

Cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật dịch bệnh khẩn cấp trước nửa đêm 12/3, trao cho chính phủ quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Theo luật này, chính quyền có thể cấm tất cả các cuộc hội họp công cộng có trên 100 người tham dự. Luật mới cũng trao quyền cho các cơ quan chức năng thực hiện việc điều trị cho những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, để các bệnh viện có thể ưu tiên điều trị các trường hợp mắc COVID-19.

Ngoài ra, luật mới trao cho chính quyền quyền siết chặt hạn chế giao thông công cộng nếu cần thiết, và đóng cửa các tổ chức công cộng, siêu thị, cửa hàng khác cũng phong tỏa viện dưỡng lão và bệnh viện.

Tính đến ngày 12/3, Đan Mạch đã ghi nhận 674 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hai trường hợp ở quần đảo Faroe.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức thành phố Istanbul đã quyết định đóng cửa các viện bảo tàng, nhà hát thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại thành phố du lịch này.

Trong 2 tuần, kể từ ngày 15/3, Chính phủ Moldova sẽ đình chỉ mọi chuyến bay tới các nước châu Âu khác.

Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phản đối việc các nước đơn phương đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống COVID-19.

Bà cho rằng việc cấm hoàn toàn các hoạt động ra và vào lãnh thổ nước mình - biện pháp mà Séc và một số nước châu Âu đã ban bố, là không hiệu quả theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bà khuyến nghị các nước thay thế biện pháp trên bằng việc quét thân nhiệt tại các cửa khẩu biên giới.

Theo Chủ tịch EC, đây là biện pháp có thể thực hiện tại các cửa khẩu cũng như tại trong nội bộ thành viên của khối.

Dự kiến, đề xuất về triển khai hệ thống quét thân nhiệt này sẽ được nêu ra tại cuộc họp của Bộ trưởng Nội vụ các nước EU trong ngày 13/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục