CPI lõi của Nhật Bản chạm mức cao nhất trong 42 năm qua

Các nhà phân tích cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản gia tăng là do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tăng đều đặn, khiến các hộ gia đình đang đối mặt với khó khăn về chi tiêu.
CPI lõi của Nhật Bản chạm mức cao nhất trong 42 năm qua ảnh 1Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo báo Yomiuri ngày 23/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản trong tháng 5/2023 đã vượt dự báo, trong khi lạm phát tiêu dùng lõi ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất trong 42 năm qua.

Các chỉ số này càng làm tăng khả năng sức ép từ lạm phát khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phải loại bỏ dần các biện pháp kích thích lớn.

Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng này là do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tăng đều đặn, khiến các hộ gia đình đang đối mặt với khó khăn về chi tiêu.

[Đồng yen rơi xuống mức thấp nhất của 15 năm so với đồng euro]

Chỉ số CPI cơ bản trên toàn quốc, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm các mặt hàng năng lượng, đã tăng 3,2% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này giảm so với mức 3,4% của tháng 4/2023, nhưng cao hơn so với mức tăng dự báo 3,1%  của thị trường.

Chỉ số CPI lõi, không bao gồm chi phí nhiên liệu và thực phẩm tươi sống, trong tháng 5/2023 ở mức 4,3%, cao hơn mức 4,1% trong tháng Tư và là mức cao nhất kể từ tháng 6/1981. Chỉ số này được BoJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo quan trọng đánh giá xu hướng giá cả biến động theo nhu cầu trong nước.

Việc chỉ số CPI lõi của tháng 5/2023 ở mức 4,3%, tức là cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong 14 tháng liên tiếp, đang làm dấy lên những nghi ngại về quan điểm của BoJ rằng lạm phát tăng do chi phí trong thời gian gần đây chỉ là hiện tượng tạm thời.

Khi đề cập đến tác động của tình trạng tăng giá các loại thực phẩm không tươi sống đối với CPI cơ bản, ông Darren Tay, nhà kinh tế học Nhật Bản tại Capital Economics, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân chính là lạm phát giá thực phẩm” và nhận định rằng chỉ số hiện nay chưa thể hiện mức lạm phát thực phẩm cao nhất. Trong khi chi phí năng lượng giảm 8,2% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các biện pháp trợ cấp của chính phủ, lạm phát lương thực đã tăng từ mức 9% của tháng Tư lên 9,2% trong tháng Năm do giá các mặt hàng như gà rán, bánh mì kẹp thịt đến sô-cô-la đều tăng.

Dữ liệu cho thấy giá phòng khách sạn cũng tăng 9,2% trong tháng Năm, cao hơn mức tăng 8,1% trong tháng Tư, một dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu du lịch hồi phục mạnh mẽ đã cho phép các nhà kinh doanh khách sạn áp mức phí cao hơn.

Với việc lạm phát luôn cao mức mục tiêu trong hơn một năm, thị trường đang sôi sục với đồn đoán rằng BoJ sẽ sớm bắt đầu loại bỏ dần các biện pháp kích thích của mình, vốn đang bị các nhà phê bình chỉ trích là bóp méo thị trường và làm tổn hại đến lợi nhuận của các tổ chức tài chính.

Thống đốc Kazuo Ueda đã nhấn mạnh BoJ sẵn sàng duy trì chính sách kích thích cho đến khi lạm phát ổn định ở mức khoảng 2% và đi kèm với việc tăng lương. Ông Ueda dự kiến lạm phát tiêu dùng lõi sẽ xuống dưới mức 2% vào tháng Chín hoặc tháng Mười, mặc dù giá cả tăng liên tục khiến quan điểm đó bị nghi ngờ.

Trong dự báo gần đây nhất được đưa ra vào tháng Tư, BoJ dự kiến lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ đạt 1,8% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2024.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,6% trong cuộc thăm dò do Reuters thực hiện vào tháng 5/2023.

Dữ liệu CPI tháng Năm vừa công bố càng làm tăng khả năng BoJ sẽ điều chỉnh dự báo lạm phát của mình trong lần đánh giá hàng quý tiếp theo vào tháng Bảy này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục