Nhật Bản chưa thoát thâm hụt thương mại sau 22 tháng liên tiếp

Theo Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, những gián đoạn chuỗi cung ứng được khắc phục dần đã giúp thúc đẩy xuất khẩu ôtô nhưng tăng trưởng xuất khẩu nói chung vẫn đang "mất nhiệt."
Nhật Bản chưa thoát thâm hụt thương mại sau 22 tháng liên tiếp ảnh 1Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5 đã giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.370 tỷ yen (9,8 tỷ USD), chủ yếu nhờ giảm giá nhiên liệu nhập khẩu trong khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại phủ bóng nên triển vọng kinh tế.

Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 15/6, nhập khẩu ở mức 8.670 tỷ yen, mức cao kỷ lục so với các dữ liệu của các tháng 5 trước đây, trong bối cảnh giá đồng yen giảm.

Nhật Bản tiếp tục ghi nhận thâm hụt thương mại tháng thứ 22 liêm tiếp, phản ánh rõ hơn sự phụ thuộc của nước này vào nhập khẩu.

Số liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính Nhật Bản chỉ ra hoạt động xuất khẩu xe ôtô và máy móc sang Mỹ đóng góp lớn cho tổng xuất khẩu của Nhật Bản, kể cả khi xuất khẩu thiết bị và các linh kiện điện tử cần cho sản xuất chip bán dẫn giảm.

Chi phí nhập khẩu dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên giảm sau 1 năm giá trị tăng đột biến kéo theo thâm hụt thương mại Nhật Bản nới rộng giữa lúc xuất hiện nhiều lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, những gián đoạn chuỗi cung ứng được khắc phục dần đã giúp thúc đẩy xuất khẩu ôtô nhưng rõ ràng tăng trưởng xuất khẩu nói chung vẫn đang "mất nhiệt."

Nhà kinh tế này cho rằng những dự báo ban đầu về việc nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sẽ bù đắp cho những sụt giảm ở thị trường Mỹ, cuối cùng đều không thành hiện thực khi nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi chậm hơn kỳ vọng.

Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ là 434,9 tỷ yen trong tháng 5, khi xuất khẩu tăng 9,4% lên 1.370 tỷ yen và nhập khẩu tăng 1,5% lên 938,89 tỷ yen.

[Nhật Bản: Giá cả tăng cao khiến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm]

Với đối tác thương mại lớn là Trng Quốc, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 540,55 tỷ yen, tiếp tục thâm hụt tháng thứ 26 liên tiếp khi nhập khẩu giảm 5,9% xuống 1.880 tỷ yen và xuất khẩu giảm 3,4% xuống 1.340 tỷ yen.

Với các nước còn lại trong châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 105,16 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên thương mại với khu vực này thâm hụt trong 4 tháng trở lại đây.

Thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cũng thâm hụt 141,03 tỷ yen.

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp từ tháng 1-3/2023 dù xuất khẩu yếu. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ duy trì ở mức vừa phải trong quý hiện tại tính đến tháng 6/2023, chủ yếu nhờ tiêu dùng và chi tiêu vốn tương đối ổn định dù tình hình kinh tế Mỹ và Trung Quốc khó dự đoán./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục