Ngày 9/4, nhà kinh tế Kazuo Ueda đã được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) với nhiệm kỳ 5 năm, kế nhiệm ông Haruhiko Kuroda.
Ông Ueda, 71 tuổi, là học giả đầu tiên của Nhật Bản được bổ nhiệm giữ chức thống đốc kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhiều chuyên gia tài chính, bao gồm cả nguyên Thống đốc Kuroda, đều cho rằng ông Ueda là sự lựa chọn tuyệt vời cho vị trí thống đốc, với xuất thân từ gia đình có truyền thống tri thức và nhiều kinh nghiệm thực tế khi ông từng là thành viên Hội đồng Chính sách BoJ từ 1998-2005.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida để nhận thư bổ nhiệm chính thức, ông Ueda cho biết: “Với sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế, BoJ sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ và định hướng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt.”
Thống đốc BoJ cũng nhất trí với Thủ tướng Kishida rằng không cần phải sửa đổi ngay tuyên bố chung giữa chính phủ và BoJ, theo đó ngân hàng trung ương cam kết đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong thời gian sớm nhất có thể.
Những thách thức đối với tân Thống đốc BoJ
Theo giới phân tích, tân Thống đốc Ueda sẽ phải đối mặt với thách thức đưa Nhật Bản chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ được áp dụng trong 10 năm qua.
Nhiệm kỳ của ông Ueda chính thức bắt đầu trong bối cảnh BoJ đang phải tìm cách cân bằng giữa việc hỗ trợ nền kinh tế bằng cách nới lỏng tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời hạn chế những tác động xấu của chính sách này đối với nền kinh tế.
Cựu Thống đốc Kuroda thừa nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% mà BoJ đặt ra đã không được thực hiện ổn định như kỳ vọng.
Khi nhậm chức vào năm 2013, ông Kuroda đã triển khai chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm mục đích tăng lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm.
Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ này đã không thể đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng còn tạo ra “sự thịnh vượng giả tạo” trên thị trường tài chính, với việc đồng yen giảm giá mạnh và thị trường chứng khoán tăng nhanh, đồng thời bộc lộ nhiều vấn đề khác.
Thứ nhất, thị trường trái phiếu bị bóp méo nghiêm trọng và chính sách tài chính mất đi tính linh hoạt khi BoJ đã thực hiện chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trong một thời gian dài.
Bằng việc mua một lượng lớn trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu, khiến giá trái phiếu lệch khỏi phạm vi hợp lý.
Thứ hai, BoJ đã trở thành "cỗ máy rút tiền" mà chính phủ không thể từ bỏ và sự phụ thuộc tài chính vào nợ ngày càng tăng.
Theo dữ liệu do BoJ công bố, tính đến cuối tháng 9/2022, số dư trái phiếu chưa thanh toán của Chính phủ Nhật Bản ở mức 1.066.000 tỷ yen (7.560 tỷ USD), trong đó BoJ sở hữu 536.000 tỷ yen, chiếm hơn 50%.
Tình huống hiếm gặp này là một trong những lý do chính khiến BoJ được cho là sẽ phải tìm cách bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Thứ ba, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ đã tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty kinh doanh yếu kém có thể tiếp cận nguồn tài chính và duy trì hoạt động. Điều này làm chậm sự chuyển hóa của các ngành công nghiệp Nhật Bản và làm suy yếu sức sống của nền kinh tế.
Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của tân Thống đốc BoJ
Theo Bloomberg, Thống đốc Ueda cho đến nay vẫn giữ quan điểm trung lập về chính sách tiền tệ, không giống như người tiền nhiệm Kuroda.
Trong phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Nhật Bản vào tháng 2/2023, ông Ueda đã bày tỏ ý định tiếp tục chính sách nới lỏng hiện tại của ngân hàng trung ương trong thời điểm hiện tại, đồng thời thừa nhận rằng chính sách này có "tác dụng phụ."
Quan chức 71 tuổi này tuyên bố sẽ xem xét tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong dài hạn, đồng thời để ngỏ khả năng sửa đổi chính sách.
Nhà kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho biết dưới sự lãnh đạo của ông Ueda, chính sách nới lỏng định lượng sẽ tiếp tục, nhưng cơ chế đặc biệt hiện nay sẽ được đánh giá lại một cách cẩn trọng nhằm giảm tối đa các hệ lụy.
Giới truyền thông và chuyên gia Nhật Bản cho rằng nếu không giải quyết hiệu quả tình trạng giảm phát, việc kéo dài chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, nếu điều chỉnh chính sách quá vội vàng có thể gây rủi ro rất lớn cho sự phục hồi chậm chạp hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản./.