Nhật Bản thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường an ninh kinh tế

Nhật Bản lên kế hoạch ngăn tiết lộ thông tin đối với những công nghệ được cấp bằng sáng chế trong 25 lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ bay siêu vượt thanh, bay tàng hình nhằm đảm bảo an ninh kinh tế.
Nhật Bản thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường an ninh kinh tế ảnh 1Nhật Bản lên kế hoạch ngăn tiết lộ thông tin đối với những công nghệ được cấp bằng sáng chế trong 25 lĩnh vực. (Nguồn: Unsplash)

Ngày 12/6, giới chức Nhật Bản cho biết nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, chính phủ nước này đang lên kế hoạch ngăn tiết lộ thông tin đối với những công nghệ được cấp bằng sáng chế trong 25 lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ bay siêu vượt thanh và bay tàng hình.

Các công nghệ được cấp bằng sáng chế trong các lĩnh vực trên cũng bao gồm tách đồng vị urani và plutoni trong lĩnh vực hạt nhân, công nghệ dùng trong vũ khí xung điện từ hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa.

[Các công ty lớn của Nhật Bản dự báo lợi nhuận ròng tăng cao kỷ lục]

Trong bản kế hoạch được công bố tại cuộc họp của một ủy ban, Chính phủ Nhật Bản cũng liệt kê các loại dự án hạ tầng mà nhà chức trách sẽ sàng lọc trong 14 lĩnh vực then chốt, bao gồm cả ngành tiện ích, để tăng khả năng ứng phó trước các vụ tấn công mạng.

Chính phủ đặt mục tiêu thực thi các biện pháp trên vào mùa Xuân năm 2024, sau khi thu thập ý kiến của người dân và chính thức hóa các biện pháp tại cuộc họp nội các.

Các biện pháp sẽ dựa trên luật thúc đẩy an ninh kinh tế được ban hành vào tháng 5/2022.

Chính phủ cũng sẽ cân nhắc bồi hoàn cho những bên sở hữu bằng sáng chế, khi công nghệ của họ được đưa vào diện bảo vệ.

Những người làm rò rỉ thông tin bằng sáng chế nằm trong diện bảo vệ sẽ đối mặt với các án phạt, trong đó có phạt tù lên tới 2 năm.

Dựa trên luật thúc đẩy an ninh kinh tế, tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã đưa 11 lĩnh vực then chốt vào diện bảo vệ gồm thiết bị bán dẫn, sản xuất pin, đất hiếm, nhằm đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu quan trọng trong trường hợp khẩn cấp.

Mục tiêu của luật này là giúp Nhật Bản ứng phó với tình trạng gia tăng cạnh tranh trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng như môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng do xung đột tại Ukraine.

Luật gồm 4 trụ cột chính là đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, hỗ trợ phát triển các công nghệ then chốt, sàng lọc các dự án hạ tầng cơ bản và ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến công nghệ nhạy cảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục