Credit Suisse có thể "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng

Sau khi các cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh trong phiên 15/3, bản thân Credit Suisse có thể là một yếu tố gây ra một cuộc khủng hoảng, thậm chí nghiêm trọng hơn của lĩnh vực này.
Credit Suisse có thể "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng ảnh 1Biểu tượng Credit Suisse tại chi nhánh ở Lausanne, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch ngân hàng Credit Suisse, Axel Lehmann, cho rằng vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã rung lên hồi chuông cảnh báo với các ngân hàng khác trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng cho thấy các nhà chức trách cần tăng cường giám sát đối với các ngân hàng quy mô trung bình tại Mỹ và lĩnh vực ngân hàng cần tăng cường quản lý các nền tảng của mình.

Bên cạnh đó, sau khi các cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh trong phiên 15/3, bản thân Credit Suisse có thể là một yếu tố gây ra một cuộc khủng hoảng, thậm chí nghiêm trọng hơn của lĩnh vực này.

Cổ phiếu của Credit Suisse giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trước khi bị ngừng giao dịch, sau khi cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia cùng ngày thông báo sẽ không tăng cổ phần từ mức 9,88%, do các vướng mắc về pháp lý.

[Credit Suisse đề nghị Ngân hàng Quốc gia hỗ trợ tăng tính thanh khoản]

Trong khi đó, các nhà giao dịch gia tăng nhu cầu với các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, cho thấy thị trường nhận định ngân hàng này có nguy cơ vỡ nợ.

Đó là trở ngại mới nhất đối với ngân hàng của Thụy Sĩ, một dấu hiệu cảnh báo sau nhiều năm dồi dào nguồn cung tiền như ông Lehmann đã nói.

Hiện vẫn chưa rõ vụ phá sản của SVB sẽ gây thiệt hại đến mức nào. Gây thêm sức ép lên cổ phiếu ngân hàng châu Âu, Signature Bank, một ngân hàng tập trung vào tiền kỹ thuật số và lĩnh vực công nghệ của Mỹ, cũng phá sản.

Vụ phá sản của SVB cũng gây lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể gây tác động đến nền kinh tế nhiều hơn dự kiến ban đầu và các quan chức Fed có thể xem xét lại chiến lược tăng lãi suất tại cuộc họp trong tuần tới.

Tuy nhiên, tác động từ vụ phá sản của SVB đến kinh tế toàn cầu có thể tương đối nhỏ so với tác động từ một sự kiện tương tự nếu xảy ra với Credit Suisse.

Một cuộc khủng hoảng ngân hàng do vụ phá sản của SVB có thể đã được ngăn chặn ngay vào cuối tuần trước, khi Chính phủ Mỹ thực hiện các biện pháp khẩn cấp và tình trạng rút tiền gửi không gia tăng cho đến ngày 15/3, nhưng vụ vỡ nợ của Credit Suisse lại là vấn đề khác.

Giám đốc điều hành BlackRock, Larry Fink, cho rằng phản ứng chính sách nhanh chóng cho đến nay và những hành động quyết liệt đã góp phần đẩy lùi nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, ông cảnh báo vẫn có lo ngại sẽ có thêm các ngân hàng khác phá sản.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng Credit Suisse là mối lo ngại đối với kinh tế toàn cầu lớn hơn so với các ngân hàng khu vực của Mỹ, do bản cân đối kế toán lớn và sự hiện diện trên toàn cầu. Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thụy Sỹ mà là vấn đề của toàn cầu.

Trong khi vụ phá sản của SVB diễn ra trong hai ngày, các vấn đề của Credit Suisse được biết đến trong nhiều năm như vụ thua lỗ 5,5 tỷ USD trong quỹ dự phòng rủi ro Archegos, sự liên đới với hoạt động rửa tiền hay các khoản vay cho các nhà chính trị bị trừng phạt của Nga.

Các nhà đầu tư bắt đầu nản lòng với Credit Suisse và Harris Associates, một công ty đầu tư của Mỹ và từng là cổ đông lớn nhất Credit Suisse, đã bán toàn bộ cổ phần trong ngân hàng này trong tuần trước.

Vào ngày 15/3, sau khi cổ phiếu dừng giao dịch, Credit Suisse đã đề nghị Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) lên tiếng hỗ trợ và trấn an nhà đầu tư.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng các vấn đề của Credit Suisse không hoàn toàn là một cú sốc đối với các nhà đầu tư và các quan chức chính phủ.

Họ cho rằng nếu Credit Suisse phá sản, việc xây dựng một kế hoạch giải thể có trật tự sẽ đảm bảo không gây ra những tác động đến hệ thống tài chính.

Một vấn đề lớn hơn là liệu vụ việc của Credit Suisse cùng với các vụ phá sản của các ngân hàng Mỹ chỉ là vụ việc đơn lẻ hay là một cuộc khủng hoảng của lĩnh vực ngân hàng, dù các bê bối của Credit Suisse không mang tính hệ thống.

Các ngân hàng khác tại châu Âu đối mặt với vấn đề về lợi nhuận trong nhiều năm.

Giám đốc công nghệ thông tin của JPMorgan Asset Management, Bob Michele, cho rằng các vấn đề của Credit Suisse là "phần nổi của tảng băng" và còn nhiều điều tồi tệ hơn chưa tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục