Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez tiếp tục lên án Luật Helms-Burton, công cụ hệ thống hóa chính sách bao vây cấm vận của Mỹ lên đảo quốc này.
Trong thông điệp đăng tải trên mạng xã hội ngày 12/3 (giờ địa phương) được phóng viên TTXVN tại La Habana trích dẫn, người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba nhấn mạnh việc áp dụng cái gọi là Luật vì tự do và đoàn kết dân chủ Cuba (tên đầy đủ của Luật Helms-Burton) là hành vi xâm lược kinh tế của Washington đối với La Habana, trên quy mô quốc tế và trong một phạm vi rộng lớn toàn diện.
Ông Rodríguez chỉ trích đạo luật nêu trên vi phạm nhân quyền và Luật pháp quốc tế, đồng thời cũng thể hiện sự thất bại trong chính sách của Mỹ đối với Cách mạng Cuba.
Theo Ngoại trưởng Rodríguez, Luật Helms-Burton thiết lập các hạn chế về thương mại, thực hiện giao dịch, đi và đến lãnh thổ Cuba, cũng như các hạn chế về hoạt động mua bán tài sản của Chính phủ hoặc công dân Cuba.
Việc ban hành Luật Helms-Burton đồng nghĩa với việc loại bỏ khả năng Mỹ đơn phương dỡ bỏ bao vây cấm vận Cuba cho đến khi xuất hiện cái mà Washington gọi là một chính phủ chuyển tiếp do Nhà Trắng công nhận ở đảo quốc láng giềng này.
Ngoại trưởng Cuba cho rằng quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt điều 3 của Luật Helms-Burton năm 2019 như một biện pháp thắt chặt lệnh bao vây cấm vận kinh tế chống đảo quốc Caribe đã khiến việc bình thường hóa quan hệ song phương trở thành không thể.
Năm 1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã sử dụng cái gọi là Luật Thương mại với Kẻ thù, được Quốc hội thông qua năm 1917, để thực hiện phong tỏa kinh tế đối với Cuba, sau một số quyết định hành pháp được người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Dwight Eisenhower, áp dụng từ năm 1959.
Luật này cho phép các Tổng thống Mỹ áp đặt và duy trì các hạn chế kinh tế đối với các quốc gia được coi là thù địch, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong thời gian chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác, đồng thời cấm trao đổi thương mại với kẻ thù hoặc đồng minh của kẻ thù trong các cuộc xung đột vũ trang.
Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Cuba, chiểu theo Luật Thương mại với Kẻ thù, Nhà Trắng đã thông qua nhiều luật và quy định hành chính khác chống lại đảo quốc này, bao gồm Luật Hỗ trợ nước ngoài (1961), các Quy định về Kiểm soát Tài sản Cuba (1963), Luật Quản lý Xuất khẩu (1979), Đạo luật Torricelli (1992), Đạo luật Helms-Burton (1996) và Quy định Quản lý Xuất khẩu (1979).
Cuba là quốc gia duy nhất đến thời điểm hiện tại bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật nói trên. Kể từ năm 1992, hằng năm, Cuba đều trình lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia thành viên.
Theo thống kê của Cuba, thiệt hại lũy kế trong hơn 60 năm Mỹ áp dụng chính sách thù địch với Cuba lên tới 159 tỷ USD, hay 1.337 tỷ USD nếu tính theo bản vị vàng./.