Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và 100 năm “thử lửa”

Ra đời từ khủng hoảng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng phát huy vai trò của mình nhờ những "chìa khóa" thành công.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và 100 năm “thử lửa” ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vừa tròn 100 tuổi.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật Dự trữ Liên bang" ngày 23/12/1913 và Tổng thống Woodrow Wilson sau đó phê chuẩn đã đánh dấu sự ra đời của Fed.

Không một ai có mặt tại Nhà Trắng khi đó có thể hình dung được sự lớn mạnh của Fed trong một thế kỷ qua với ngày càng nhiều những trọng trách đã gánh vác. Đặc biệt, vai trò đã thể hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra 5 năm trước càng khẳng định tầm quan trọng của Fed đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Ra đời từ khủng hoảng

Fed được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu phải có một hệ thống ngân hàng trung ương để điều phối thị trường sau một loạt các biến động trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ vào các năm 1873, 1893 và 1907. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã xảy ra vào năm 1907, khi các ngân hàng phá sản do tiền gửi bị rút ra ồ ạt. Bởi không có một ngân hàng trung ương, ngân hàng J.P. Morgan đã phải vào cuộc để cứu hệ thống tài chính. Do đó, mục đích chính của việc thành lập Fed là để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.

Các mục đích khác được nêu trong Đạo luật Dự trữ Liên bang là điều chỉnh nguồn cung tiền, cung cấp phương tiện tái chiết khấu thương phiếu, thiết lập sự giám sát hiệu quả hơn đối với hệ thống ngân hàng.

Theo thời gian, nhiệm vụ của Fed ngày càng được mở rộng. Fed hiện có trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ quốc gia với ba mục tiêu chính là tối đa hóa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn; giám sát và kiểm soát các tổ chức ngân hàng, đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng; duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính; cung cấp các dịch vụ tài chính cho các định chế nhận tiền gửi, các tổ chức tài chính nước ngoài và Chính phủ Mỹ, giữ vai trò chính trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.

Fed cũng đưa ra các đánh giá về nền kinh tế và công bố các báo cáo như Beige Book. Fed cũng có nhiệm vụ nâng cao vị thế của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.

Fed được xem là ngân hàng trung ương của Mỹ với bộ máy gồm Hội đồng thống đốc có 7 thành viên, trong đó Chủ tịch Fed (nhiệm kỳ là 4 năm) được chỉ định bởi Tổng thống nhưng phải được Thượng viện thông qua. Các thành viên của Hội đồng thống đốc đóng vai trò đa số trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Hội đồng thống đốc của Fed là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang, không chịu sự can thiệp của Quốc hội, các thành viên của hội đồng được quyền miễn yêu cầu của lập pháp và hành pháp, nhưng phải gửi báo cáo tới Quốc hội theo định kỳ.

Hội đồng Thống đốc chịu trách nhiệm việc hoạch định và cụ thể hóa chính sách tiền tệ, đồng thời giám sát và quy định hoạt động của 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực và hệ thống ngân hàng của Mỹ.

Fed đã giúp nền kinh tế Mỹ thịnh vượng trong thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, quá chú trọng vào thị trường việc làm khiến Fed dường như bỏ quên nhiệm vụ kiểm soát lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hai con số trong thập kỷ 1970. Tình trạng này buộc Quốc hội phải quy định lại hai nhiệm vụ của Fed vào năm 1977 là ổn định giá cả và tạo việc làm.

Năm 1979, Pual Volcker trở thành Chủ tịch Fed và đã thành công trong nỗ lực đẩy lùi lạm phát. Dưới sự lãnh đạo của Paul Volcker, các biện pháp kiểm soát lạm phát đã có hiệu quả và tỷ lệ lạm phát đã giảm nhanh chóng trước năm 1986. Người kế nhiệm ông từ năm 1987 là ông Alan Greenspan cũng đã duy trì lạm phát ở mức thấp.

Phát huy vai trò trong khủng hoảng

Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu, nhiều người cho rằng Fed đang "đùa với lửa" khi điều chỉnh căn bản chính sách để cùng với chính phủ kích thích nền kinh tế. Lãi suất được giảm xuống mức thấp nhất có thể, và các biện pháp phi chính thống chưa có tiền lệ đã được áp dụng, trong đó có chương trình nới lỏng định lượng (QE). Kể từ khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008, báo hiệu thời kỳ "Đại suy thoái,” đến nay, Fed đã "bơm" vào nền kinh tế lớn nhất thế giới hơn 3.000 tỷ USD để cứu nguy khu vực tài chính và tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, Fed đã gặt hái những thành công nhất định. Sau nhiều lần lên xuống thất thường trong những năm gần đây thì nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã đạt 4,1% trong quý 3/2013, mức cao nhất kể từ quý 4/2011. Nhiều năm tháo gỡ đòn bẩy tài chính đã đưa mức nợ của Mỹ giảm xuống ngưỡng có thể dễ kiểm soát hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao.

Trong ba tháng gần đây, thị trường lao động tiếp nhận trung bình 193.000 việc làm mới mỗi tháng, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 7% trong tháng 11 vừa qua, mức thấp nhất kể từ khi ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ. Và người tiêu dùng cũng ngày càng tin tưởng hơn vào nền kinh tế.

Đà phục hồi ngày càng khá hơn của nền kinh tế là cơ sở để Fed trong cuộc họp định kỳ ngày 17-18/12 quyết định bắt đầu từ tháng 1/2014 sẽ cắt giảm quy mô chương trình QE3 đã triển khai trong hơn một năm qua, từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng.

Thông báo của Fed cho biết việc cắt giảm quy mô chương trình này không phải là một lộ trình ấn định sẵn mà sẽ tùy thuộc vào sự cải thiện của nền kinh tế và thị trường việc làm. Fed từng khẳng định sẽ chỉ dừng nới lỏng chính sách tiền tệ khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5%, và không tăng lãi suất trước 6 tháng cuối năm 2015. Như vậy, lộ trình thu nhỏ quy mô chương trình QE sẽ được Fed triển khai từng bước nhằm đảm bảo sự ổn định và bền vững cho nền kinh tế.

Mặc dù chính sách của Fed chưa phải là hoàn hảo, nhưng những gì mà ông Bernanke đã làm trong suốt thời gian qua sẽ để lại một di sản đáng trân trọng. Ngày 31/1/2014, ông sẽ nghỉ hưu sau khi đã "chèo lái" Fed và cả nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhanh chóng cắt giảm lãi suất, mua vào trái phiếu chính phủ và các loại tài sản khác là thành công của ông Bernanke trong nỗ lực cứu nguy nền kinh tế.

Bà Janet Yellen, cấp phó của ông Bernanke, sẽ kế nhiệm chức Chủ tịch Fed để từng bước điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ khi nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Bằng cách chọn bà Janet Yellen là người kế nhiệm chức Chủ tịch của Ben Bernanke, ông Obama mong muốn Fed sẽ tạo ra được nhiều việc làm hơn nữa.

Những chìa khóa thành công

Khi Fed được thành lập, “cửa sổ chiết khấu" là công cụ chính. Nếu các ngân hàng thương mại trong hệ thống của Fed thiếu tiền thì có thể vay từ một trong số 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực. Đây chính là vai trò chính của Fed: người cho vay cuối cùng.

“Cửa sổ chiết khấu” trở thành phao cứu sinh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Hàng trăm ngân hàng, trong đó có những ngân hàng lớn nhất, đã vay tiền từ Fed. Fed đã cung cấp hàng nghìn tỷ USD cho các ngân hàng của Mỹ và các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại nước này. Chính nỗ lực đó của Fed cùng với quỹ cứu trợ mà Quốc hội phê chuẩn đã cứu hệ thống tài chính.

Trong khi đó, lãi suất ngắn hạn là đòn bẩy chính để Fed có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Một thập niên sau khi ra đời, Fed thấy rằng có thể tác động đến lãi suất ngắn hạn bằng cách mua bán trái phiếu mà các ngân hàng nắm giữ như một khoản dự trữ. Lãi suất ngắn hạn đã được Fed sử dụng để thực hiện nhiệm vụ kép là tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả. Để hạ lãi suất, Fed đã in tiền và dùng tiền này mua trái phiếu từ các ngân hàng, nhờ đó tăng khả năng cho vay. Còn để nâng lãi suất, Fed làm điều ngược lại là bán trái phiếu cho các ngân hàng để rút tiền về.

Do không thể hạ lãi suất ngắn hạn xuống dưới 0%, Fed phải dùng đến các biện pháp khác như mua trái phiếu để thúc đẩy tăng trưởng. Từ năm 2009, Fed đã mua trái phiếu của Bộ Tài chính và trái phiếu có thế chấp với quy mô chưa từng có. Chương trình này là nhằm hạ lãi suất dài hạn để thúc đẩy vay mượn và chi tiêu. Số tiền chi cho chương trình này đã làm con số trong bản quyết toán của Fed lên đến kỷ lục là 4.000 tỷ USD. Chương trình mua trái phiếu đã giúp duy trì lãi suất dài hạn ở mức thấp song cũng bị chỉ trích từ những người lo ngại làm phồng bong bóng tài sản, từ cổ phiếu đến đất nông nghiệp.

Ngoài ra, việc Fed đã khẳng định với các nhà đầu tư rằng lãi suất ngắn hạn sẽ vẫn ở mức thấp kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm thêm đã cho thấy phần nào nỗ lực cho sự minh bạch hơn của Fed. Trước thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Fed đã không thông báo về thời điểm điều chỉnh lãi suất ngắn hạn. Kể từ thời ông Alan Greenspan là Chủ tịch, Fed đã công khai hơn về các hoạt động. Fed bắt đầu có những thông báo sau mỗi cuộc họp về các quyết định và lý do đằng sau đó. Ông Bernanke hơn thế còn cập nhật các dự báo kinh tế thường xuyên hơn, trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Fed đã có các cuộc họp báo hàng quý.

Sức mạnh của Fed cũng đến từ việc không chịu sự can thiệp của Quốc hội. Tuy nhiên, Fed đã trở thành mục tiêu chỉ trích vì những biện pháp không có tiền lệ trong 5 năm qua. Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện Jeb Hensarling muốn xem xét việc có cần phải có những điều chỉnh đối với các hoạt động của Fed bởi Fed có quá nhiều quyền hạn và không chịu sự giám sát của Quốc hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục