Cục Hàng không trả lời về tình trạng hủy, chậm chuyến bay

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc tăng khai thác của các hãng hàng không không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm chuyến tăng cao.
Cục Hàng không trả lời về tình trạng hủy, chậm chuyến bay ảnh 1Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tình trạng chậm, hủy chuyến bay đã có những cải thiện tích cực khi Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng này lại có dấu hiệu gia tăng.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xung quanh nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay gia tăng và các giải pháp giải quyết vấn đề này.


- Xin ông cho biết tình trạng chậm hủy chuyến từ đầu năm đến nay, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến thời gian qua?

Ông Đinh Việt Sơn: 6 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 101.000 chuyến bay, tỷ lệ chậm chuyến chiếm 15%, giảm 5,6 điểm và tỷ lệ chuyến bay bị hủy chiếm 0,5%, giảm 2,7 điểm so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn, tỷ lệ này của các hãng hàng không như sau, Vietnam Airlines tỷ lệ chậm chuyến là 13,4%, tỷ lệ hủy chuyến là 0,5%; Vietjet Air tương ứng là 17,1% và 0,4% và hãng Jetstar Pacific tỷ lệ này tương ứng là 21,8% và 0,7% và Vasco tỷ lệ này cũng tương ứng là 4,4% và 0,5%.

Tại một số thời điểm vì những lý do bất khả kháng từ thời tiết, đóng cửa đường cất, hạ cánh để sửa chữa... nên đã dẫn tới tỷ lệ cao đột biến.

Cụ thể, giai đoạn tháng 2 (từ ngày 6-18/2) và giai đoạn tháng 3, do điều kiện thời tiết xấu (sương mù, tầm nhìn bị hạn chế) tại các Cảng hàng không phía Bắc, đặc biệt là cảng hàng không Cát Bi, Thọ Xuân và Vinh, khiến Cảng hàng không phải tạm ngừng khai thác, không thể tiếp nhận hoạt động bay đi/đến.

Tình trạng này đã trực tiếp gây xáo trộn kế hoạch khai thác của các hãng hàng không, ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt các chuyến bay kế tiếp, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao, gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không.

Tỷ lệ chậm chuyến trong các ngày này tăng cao với nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp từ thời tiết. Thời gian từ ngày 28-29/5, cảng hàng không Cát Bi phải đóng cửa để sửa chữa đường hạ cất cánh bị bong khiến 3 hãng hàng không khai thác đến đều phải chuyển hướng hạ cánh đến cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, gây xáo trộn lịch khai thác, trực tiếp gây chậm chuyến dây chuyền.

Tuy nhiên, đến tháng 7, tình hình chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không chuyển biến theo chiều hướng xấu với tỷ lệ chuyến bay bị chậm giờ tăng cao.

Cụ thể, tháng 7 tỷ lệ chậm chuyến là 21,4%, tăng 3,3 điểm so tháng 6 và tỷ lệ hủy chuyến chiếm 0,4%, giảm 0,2 điểm so tháng 6, cụ thể, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines là 21,2% (tăng 5,9 điểm), của Vietjet Air là 23,5% (tăng 3,3 điểm) và của Jetstar Pacific là 20,7% (tăng 0,5 điểm).

Nguyên nhân vì đây là giai đoạn cao điểm vận chuyển khách du lịch nội địa. Các cảng hàng không cửa ngõ du lịch như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài... đều thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn ứ vào những khung giờ cao điểm trong khi các hãng hàng không luôn cố gắng đảm bảo mọi hành khách có thể lên được chuyến bay theo kế hoạch dẫn tới tình trạng chậm chuyến bay đó, đồng thời gián tiếp dẫn tới tình trạng chậm dây chuyền.

Đặc biệt, trong tháng này, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đóng cửa đường một đường băng để sửa chữa mất gần 10 ngày khiến năng lực khai thác giảm từ 35 xuống 30 chuyến bay/giờ.

Vì lý do ưu tiên hoạt động khai thác quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam đã phải điều chỉnh lịch bay của các chuyến bay nội địa, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng hàng không, làm tăng tỷ lệ chậm chuyến bay trong giai đoạn này (lên tới 24,5%).

Trong khi đó, tỷ lệ chậm, hủy chuyến từ 1-7/7 chỉ là 17,2%, là tỷ lệ chung của tháng 6. Có thể nói, tỷ lệ cao trong giai đoạn tháng 7 vừa qua chỉ là đột biến mùa cao điểm và sẽ giảm khi bước vào tháng 8 và có thể khẳng định, tỷ lệ chậm hủy trong giai đoạn tháng 7 chỉ mang tính thời điểm và sẽ giảm, đạt mức chấp nhận được (10-15%) vào các tháng tiếp theo.

- Có ý kiến cho rằng tình trạng chậm, hủy chuyến là do các hãng hàng không khai thác quá nhiều đường bay, trong khi đội tàu bay có hạn, ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Đinh Việt Sơn: Trước tiên, cần phải khẳng định, việc sắp xếp lịch bay của các hãng hàng không đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai thác tàu bay, đảm bảo số giờ bay khai thác trong tiêu chuẩn cho phép.

Trong năm 2015, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng, phù hợp với kế hoạch phát triển mạng đường bay của các hãng, cụ thể so hiện tại với thời điểm cuối tháng 12/2014, Vietjet Air tăng từ 18 lên 25 tàu bay (tăng 40% năng lực), Jetstar tăng từ 8 lên 11 tàu bay (tăng 37,5% năng lực), Vietnam Airlines tiếp nhận thêm tàu bay mới A350 và B787.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đã tuân thủ nghiêm việc tăng thời gian quay đầu tàu bay, bố trí tàu bay dự phòng.

Như vậy, có thể nói rằng, việc tăng khai thác của các hãng hàng không không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm chuyến tăng cao trong thời gian vừa qua.

Việc các hãng hàng không tăng tần suất trên các đường bay, mở các đường bay mới trước hết là đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao hiệu quả khai thác các Cảng hàng không, sân bay, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mang tới nhiều mức giá hợp lý cho mọi đối tượng khách hàng.

Có thể thấy, tỷ lệ tăng trưởng về vận chuyển hành khách tại thị trường nội địa luôn tăng trưởng từ 15-20% trong các năm trở lại đây, đã thể hiện nhu cầu đi lại rất cao của người dân.

- Từ năm 2014, Bộ Giao thông Vận đã tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải gửi báo cáo chậm hủy chuyến bay cho các cơ quan báo chí để thông tin đến người dân, vậy nguyên nhân nào mà báo cáo này bị tạm dừng thời gian qua? Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ thực hiện những giải pháp nào để hạn chế tình trạng chậm hủy chuyến bay, thưa ông?

Ông Đinh Việt Sơn: Như đã công bố với báo chí, Cục Hàng không Việt Nam đã duy trì việc đưa số liệu chậm, hủy chuyến bay cùng các nhóm nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến hàng ngày lên trang tin điện tử (website) Cục Hàng không Việt Nam tại địa chỉ http://www.caa.gov.vn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vì lý do kỹ thuật hạn chế về dung lượng nên việc cung cấp thông tin (dạng bảng số liệu) đang tạm thời không đưa liên tục. Cục Hàng không Việt Nam đang xây dựng lại website; trong đó dành dung lượng phù hợp cho việc cập nhật số liệu vận tải hàng không nói chung và số liệu chậm hủy hàng ngày nói riêng.

Mặc dù vậy, việc tổng hợp, báo cáo số liệu vẫn được thực hiện hàng ngày và Cục Hàng không Việt Nam sẵn sàng cung cấp trực tiếp cho báo chí, người dân qua đường thư điện tử tại địa chỉ caav@caa.gov.vn.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các đơn vị liên quan trong ngành hàng không thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể, đối với hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, h​ủy chuyến; rà soát, chấn chỉnh các quy trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không; tổ chức đánh giá năng lực hạ tầng, trang thiết bị và phục vụ mặt đất tại toàn bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay để điều chỉnh lịch bay phù hợp.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tiếp tục mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng thực tiễn hoạt động và nhu cầu phát triển của vận chuyển hàng không; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS), Tổ An toàn đường cất hạ cánh; thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị các các chuyến bay bằng các quy trình giám sát cụ thể, chi tiết rõ ràng cho từng kíp trực, niêm yết thông tin về số điện thoại đường dây nóng của Cảng vụ hàng không và qu​y định về quyền lợi của hành khách trường hợp chuyến bay chậm, hủy tại các vị trí dễ nhận biết và đặc biệt là việc giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà vận chuyển đối với các chuyến bay bị chậm, hủy.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục