Sau 6 tháng thực hiện chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đã có hàng chục doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền lên đến gần 11 tỷ đồng.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tính đến giữa tháng Tám, Cục đã tiến hành điều tra và xử phạt 36 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với 34 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận, với tổng số tiền phạt hơn 6,6 tỷ đồng.
Trong đó, các hành vi vi phạm phổ biến như: Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động bán hàng đa cấp; Tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố khi chưa có xác nhận bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố...
Còn theo báo cáo của các địa phương, ông Tuấn cho biết, đã có 48 Sở Công Thương tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Trong đó, 38 Sở đã xử phạt 26 doanh nghiệp với số tiền phạt gần 4,5 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, hoạt động kinh doanh đa cấp "chui" cũng diễn biến hết sức phức tạp, chỉ trong thời gian ngắn đồng loạt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 18 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không có Giấy chứng nhận theo quy định, trong đó nhiều trường hợp đã được cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, các hoạt động giao dịch tiền ảo (Bitcoin), huy động tài chính đội lốt từ thiện, thương mại điện tử, đào tạo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... diễn biến phức tạp. Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước.
"Kiểu kinh doanh này là trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm. Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội "kinh doanh trái phép" nên hiện nay chúng ta không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn," ông Tuấn cho hay.
Trước đó, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt, nhưng theo ý kiến phản ánh từ nhiều Sở Công Thương, việc kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp đang gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, Sở Công Thương không thể liên hệ được với người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương cũng như không thể xác định được địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh đó, do được thực hiện tại các địa điểm riêng tư nên rất khó kiểm soát về nội dung và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt người tham gia trong trường hợp người tham gia đó nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm cũng như lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ khách hàng mua hàng hoặc tham gia vào mạng lưới do mình xây dựng.
Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc sửa Nghị định 42/CP nhằm bám sát các yêu cầu của thực tế kinh doanh bán hàng đa cấp, hướng đến mục tiêu nghiêm minh, không cho phép nghĩ đến việc trục lợi.
Quan trọng hơn, việc sửa Nghị định 42/CP nhằm kiểm soát tốt hơn các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng thời gian qua như: kinh doanh tiền ảo, huy động tài chính bất hợp pháp… hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững./.
Tính đến đầu tháng 9/2016, số lượng doanh nghiệp có Giấy chứng nhận Bán hàng đa cấp đang hoạt động là 50 doanh nghiệp, giảm 17 doanh nghiệp so với năm 2015. Trong đó, có 09 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận, 06 doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị chấm dứt hiệu lực và 02 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.