“Cuộc chiến” giữa lao động và vốn trong nền kinh tế hậu phong tỏa

Sự không hài lòng đã tồn tại thường trực trong nền kinh tế hậu phong tỏa. Các hộ gia đình nói rằng doanh nghiệp lợi dụng tăng giá, góp phần khiến lạm phát tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Cuộc chiến” giữa lao động và vốn trong nền kinh tế hậu phong tỏa ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy ở thành phố Vernon, Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người ta thường nói rằng “sự thỏa hiệp tốt là khi cả hai bên đều không hài lòng."

Sự không hài lòng đã tồn tại thường trực trong nền kinh tế hậu phong tỏa. Các hộ gia đình nói rằng doanh nghiệp lợi dụng tăng giá, góp phần khiến lạm phát tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các công ty bác bỏ cáo buộc này và nói rằng họ là bên thực sự bị tổn hại. Họ phàn nàn rằng nhân viên trở nên ngại làm việc và yêu cầu mức lương ngày càng cao. Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey đã gây tranh cãi khi gợi ý rằng người lao động nên tiết chế về yêu cầu về lương, ngay cả khi ông đã thất bại trong việc yêu cầu các công ty không tăng giá.

Một "trận chiến tăng giá," giữa lương cao hơn và giá cả ở cửa hàng cao hơn, đang diễn ra. Nói một cách tổng thể, sản lượng kinh tế phải được chuyển đến cho chủ sở hữu vốn, dưới dạng lợi nhuận, cổ tức và tiền thuê, hoặc cho người lao động, dưới dạng tiền lương, tiền công và đặc quyền.

Các nhà kinh tế gọi đây là tỷ trọng “vốn” hoặc “lao động” trong GDP. Yếu tố nào sẽ chiếm ưu thế hơn trong nền kinh tế hậu phong tỏa?

Tạp chí The Economist (Anh) đã tổng hợp một loạt chỉ số để trả lời câu hỏi này. Đầu tiên, xem xét thước đo tần suất cao về tỷ trọng vốn-lao động ở 30 quốc gia giàu có nhất. Năm 2020, tỷ trọng lao động của nhóm này đã tăng vọt, phần lớn là do các công ty tiếp tục trả lương cho người lao động (phần lớn là nhờ các chương trình kích thích của chính phủ) ngay cả khi GDP giảm. Lao động chiếm lợi thế.

[IMF nhận định phục hồi kinh tế hậu COVID-19 vẫn còn nhiều khó khăn]

Tuy nhiên, gần đây hơn, cuộc chiến dường như đã chuyển sang hướng có lợi cho vốn. Kể từ khi đạt mức cao nhất vào năm 2020, tỷ trọng lao động ở các nước giàu có đã giảm 2,3%. Dữ liệu chỉ có đến tháng 9/2021 và hầu hết các nhà kinh tế cho rằng tỷ trọng của người lao động không phải là thước đo hoàn hảo về sự công bằng kinh tế, vì số liệu này rất khó đo lường.

Các bằng chứng cho thấy các quốc gia thường được phân loại vào một trong ba nhóm, tùy thuộc vào cách cuộc chiến tăng giá diễn ra.

Nhóm đầu tiên có đại diện là Anh. Tăng trưởng tiền lương cơ bản nằm trong khoảng 5% một năm, mức nhanh bất thường theo tiêu chuẩn của các nước giàu có. Nhưng các tập đoàn dường như không có nhiều quyền lực định giá, có nghĩa là họ đang phải vật lộn để bù đắp cho việc chi phí cao hơn bằng cách tăng giá cao hơn.

Theo một ước tính, lợi nhuận danh nghĩa tính bằng đồng bảng trên mỗi đơn vị hàng hóa và dịch vụ bán ra chỉ cao gần bằng thời điểm đầu năm 2019, trong khi chi phí của một đơn vị lao động tăng khoảng 3% mỗi năm. Lao động dường như đang chiến thắng.

Nhóm thứ hai gồm hầu hết các quốc gia giàu có khác, ngoài Mỹ. Ở đó, cả lao động và vốn dường như đều không chiến thắng. Sau khi hiệu chỉnh những ảnh hưởng liên quan đến đại dịch, tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản dường như đang chậm lại, dưới mức 1% một năm, theo dữ liệu từ ngân hàng Goldman Sachs.

Tốc độ tăng tiền lương ở Italy và Tây Ban Nha đang "giậm chân tại chỗ", trong khi tăng trưởng tiền lương ở Australia, Pháp và Đức vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Người lao động ở những nơi này không thực sự tham gia vào bên gây lạm phát.

Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp cũng không tăng vọt. Ở châu Âu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế đã tăng trong những tháng gần đây nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Tại Nhật Bản, lợi nhuận trước thuế “định kỳ” của các công ty vừa và lớn gần đây đã trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, lợi nhuận của các công ty nhỏ vẫn ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.

Trong nhóm thứ ba có đại diện là Mỹ. Tăng trưởng tiền lương nhanh với tốc độ khoảng 5% một năm. Đồng thời, kết quả báo cáo tài chính gần đây cũng cho thấy các công ty lớn của Mỹ đang bảo vệ lợi nhuận tốt hơn mức các nhà phân tích mong đợi. Gói hỗ trợ của chính phủ đã giúp các hộ gia đình có khả năng chấp nhận mức giá cao hơn mà các công ty đưa ra.

Vào đầu tháng 2/2022, nền tảng thương mại điện tử Amazon cho biết sẽ tăng 17% giá gói thành viên Prime tại thị trường nội địa, ngay cả khi quyết định không công bố việc tăng giá ở các khu vực khác trên thế giới.

Một số công ty đang tăng tỷ suất lợi nhuận dù chi phí tăng cao. Tyson, một nhà sản xuất thịt của Mỹ, đã báo cáo rằng chi phí đầu vào tăng 18%, giá bán trung bình tăng 19,6% và lợi nhuận hoạt động đã điều chỉnh tăng 40% trong quý gần đây nhất so với một năm trước. Công ty này nói rằng giá thịt tăng không làm giảm nhu cầu.

Chỉ số tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn nền kinh tế Mỹ đang tăng nhanh. Dario Perkins, công ty dịch vụ tài chính TS Lombard, phân tích rằng tiền lương tăng là nguyên nhân gây ra hơn 70% mức lạm phát kể từ cuối năm 2019.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America cho rằng sức mạnh định giá lớn hơn giúp giải thích tại sao cổ phiếu của Mỹ có tỷ lệ thu nhập trên giá cổ phiếu cao hơn so với các cổ phiếu của châu Âu.

Một số nhà kinh tế tự hỏi liệu người lao động có đòi hỏi mức lương cao hơn nữa để bù đắp việc giá cả cao hơn hay không? Có một số bằng chứng về điều này ở Mỹ và Anh, nơi tốc độ tăng trưởng tiền lương dường như đang nhanh hơn.

Kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với việc giải quyết vấn đề tiền lương trong tương lai vẫn khá thận trọng, mặc dù điều đó có thể sớm thay đổi. Nếu tiền lương bắt đầu tăng nhanh hơn, chu kỳ tăng giá và việc bù đắp nhu cầu tiền lương có thể lại bắt đầu. Chẳng bao lâu nữa, nền kinh tế hậu phong tỏa có thể giống như một thỏa hiệp cuối cùng, nơi mà không ai được thỏa mãn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục