Cuộc chiến Ukraine-Nga: Đòn bẩy chấm dứt sự trung lập của Bắc Âu?

Chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành tại Ukraine có thể sớm làm đảo lộn lập trường truyền thống không liên kết của Thụy Điển, nhiều khả năng kích động Thụy Điển cùng với Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO.
Cuộc chiến Ukraine-Nga: Đòn bẩy chấm dứt sự trung lập của Bắc Âu? ảnh 1Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ ngày 25/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, “không liên kết trong thời bình, trung lập trong thời chiến” không chỉ là học thuyết an ninh của Thụy Điển mà còn góp phần định hình bản sắc dân tộc và tự nhận thức của nước này.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành tại Ukraine có thể sớm làm đảo lộn lập trường truyền thống không liên kết của Thụy Điển, nhiều khả năng kích động Thụy Điển cùng với Phần Lan đệ đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 8/3, khoảng 2 tuần sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, cho rằng việc gia nhập NATO “trong bối cảnh hiện nay... sẽ làm bất ổn khu vực này của châu Âu và làm gia tăng căng thẳng.”

Nhiều nhà bình luận trung hữu ngay lập tức đã cáo buộc bà đang thừa nhận quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin rằng lựa chọn của một quốc gia có chủ quyền về việc gia nhập NATO sẽ bị xem là hành vi khiêu khích Nga.

Tuy nhiên, những tín hiệu mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ Xã hội gần đây cho thấy Thụy Điển có thể nộp đơn xin gia nhập NATO sớm nhất là tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6 tới. Lập trường an ninh của quốc gia này cũng đã thay đổi hoàn toàn. Chính phủ Thụy Điển đã gửi vũ khí đến Ukraine và công chúng Thụy Điển đã bắt đầu tìm hiểu về các hầm trú bom và thuốc sát khuẩn.

Xu hướng ủng hộ NATO ở nước láng giềng Phần Lan cũng đang ảnh hưởng đến cuộc tranh luận về an ninh của Thụy Điển. Trạng thái dễ bị tổn thương của Phần Lan khi đối mặt với Liên Xô trước đây và hiện nay là Nga từ lâu đã là một lý do quan trọng khiến Thụy Điển thực thi chính sách không liên kết, do giới hoạch định chính sách cho rằng Điện Kremlin sẽ kiểm soát Phần Lan nếu Thụy Điển gia nhập NATO.

[Thụy Điển hy vọng gia nhập NATO giúp tăng sức mạnh phòng thủ Bắc Âu]

Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã đầu tư rất nhiều vào hợp tác an ninh với Phần Lan. Trong cuộc gặp của bà Andersson với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tại Stockholm hồi tháng tháng 4 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng dù mỗi nước sẽ ra quyết định độc lập về tư cách thành viên NATO, song hai bên vẫn sẽ tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn chặt chẽ.

Thủ tướng Marin dự kiến đưa ra quyết định của Phần Lan trong vòng vài tuần tới, trong khi Quốc hội Thụy Điển tháng này sẽ công bố một báo cáo trình bày quan điểm của mình về tư cách thành viên NATO. Sẽ không có gì quá ngạc nhiên nếu Phần Lan và Thụy Điển song song tiến hành các nỗ lực.

Đối với Thụy Điển, không liên kết và trung lập không chỉ là những nguyên tắc được duy trì, mà nhiều người còn đánh giá đây là những chính sách này đã đảm bảo nhiều điều cho quốc gia này trong các cuộc chiến của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Tất nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng phù hợp với những lời hùng biện.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thụy Điển không thực sự trung lập mà đã nhượng bộ đáng kể trước Đức Quốc xã. Ngay sau chiến tranh, quốc gia này cũng đã đáp ứng yêu cầu của Điện Kremlin về việc dẫn độ binh lính từ các nước Baltic sang Liên Xô.

Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển đã duy trì một "liên minh ẩn" với NATO thông qua hợp tác bí mật sâu rộng. Chính sách này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố chính thức, trong đó miêu tả Thụy Điển như một nhân tố trung gian giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô.

Dưới thời Olof Palme, nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội từ năm 1969 cho đến khi bị ám sát vào năm 1986 và 2 lần giữ chức thủ tướng, NATO không được coi trọng và thậm chí còn bị xem như một “liên minh hạt nhân” đầy đe dọa. Tuy nhiên, dù công khai chống Mỹ, Palme vẫn kín đáo nhấn mạnh rằng hợp tác với NATO phải được tiếp tục.

Học thuyết an ninh chính thức của Palme có vị trí quan trọng ở Thụy Điển sau khi ông qua đời, và tinh thần của ông từ lâu vẫn ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của quốc gia này. Trong chiến dịch bầu cử năm 2010, Đảng Dân chủ Xã hội, căn cứ vào mối đe dọa cũ của "liên minh hạt nhân", đã yêu cầu "Mỹ dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và các căn cứ quân sự gần biên giới Thụy Điển.”

Tuy nhiên, trên thực tế, Thụy Điển đã từ bỏ vị thế trung lập và thực hiện các bước đi ngày càng mạnh mẽ, xa rời cái gọi là không liên kết. Là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1995, quốc gia này có các liên kết chính trị và kinh tế chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác.

Từ năm 2009, Thụy Điển bị ràng buộc bởi điều khoản đoàn kết của EU, trong đó bắt buộc các thành viên phải hỗ trợ các nước EU khác - dù không nhất thiết phải bằng các biện pháp quân sự - trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang.

Thụy Điển cũng từng bước làm sâu sắc hơn hợp tác với NATO. Thụy Điển hiện là "Đối tác tiềm năng cao" của khối, giống như Phần Lan; là thành viên Đối tác vì Hòa bình, đóng góp quân đội cho các hoạt động quốc tế dưới danh nghĩa NATO và tham gia các cuộc tập trận quân sự của liên minh. Quan trọng nhất, kế hoạch phòng thủ của Thụy Điển chủ yếu dựa vào việc quốc gia này nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài trong trường hợp xảy ra chiến tranh. 

Chính sách trung lập trong Chiến tranh Lạnh của Thụy Điển yêu cầu lực lượng quốc phòng mạnh và chi tiêu quân sự lên tới 4% GDP. Nước này duy trì lực lượng không quân lớn thứ tư thế giới và có khả năng huy động gần như toàn bộ dân số nam trong độ tuổi nhập ngũ trong vòng vài ngày.

Dù giữ được lợi thế về công nghệ quân sự kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc Thụy Điển bãi bỏ chế độ quân sự trên thực tế và chuyển hướng trọng tâm của quân đội sang các nhiệm vụ ngoài nước đã làm suy yếu khả năng quốc phòng. Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc gần đây đã được khôi phục và Bộ Nội địa liên tục nhận được đơn xin gia nhập kể từ khi Nga phát động chiến dịch. 

Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển hiện chỉ chiếm 1,3% GDP. Các kế hoạch phòng thủ của Thụy Điển phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, thực tế nước này không được hưởng lợi từ các đảm bảo an ninh tập thể theo Điều 5 Hiệp ước NATO. Và hành động gây hấn của Nga dường như chỉ dừng lại trước biên giới của các thành viên NATO chứ không phải các đối tác của liên minh như Ukraine và Gruzia.

Công chúng Thụy Điển cho rằng quan hệ đối tác với NATO không còn là lựa chọn tích cực. Trong cuộc thăm dò dư luận ngày 1/1/2022 về việc liệu Thụy Điển có nên nộp đơn xin gia nhập NATO hay không, khoảng 34% người Thụy Điển đồng ý trong khi 37% không đồng ý. Đến giữa tháng 4/2022, số người ủng hộ đã lên tới 47% và chỉ 28% khác phản đối.

Trong số đó, có tới 59% số người được hỏi cho rằng Thụy Điển nên gia nhập NATO nếu Phần Lan làm như vậy, chỉ có 17% phản đối. Vào đầu tháng 5/2022, các cuộc thăm dò dư luận lần đầu tiên cho thấy đa số (51%) ủng hộ tư cách thành viên NATO. Với những thay đổi này trong công luận, người ta có thể trông đợi Thụy Điển sẽ chấm dứt thái độ trung lập và không liên kết./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục