Cước vận tải núp trong "vỏ bọc" phụ thu có xu hướng tăng cao

Giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua nhưng giá cước vận tải vẫn đang giảm nhỏ giọt, còn giá vé đi lại trong dịp Tết Nguyên đán lại đang có chiều hướng tăng lên dưới vỏ bọc "phụ thu."
Cước vận tải núp trong "vỏ bọc" phụ thu có xu hướng tăng cao ảnh 1Thanh tra Giao thông kiểm tra các xe về Bến xe miền Đông. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua nhưng giá cước vận tải vẫn đang giảm rất nhỏ giọt, còn giá vé đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới lại đang có chiều hướng tăng lên dưới vỏ bọc "phụ thu."

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết tính riêng đợt xăng dầu giảm giá trong ngày 18/12/2015, đã có 25 doanh nghiệp hoạt động tại bến kê khai giảm giá cước từ 2-3% giá vé. Còn đợt xăng giảm từ ngày 4/1 mới đây, các doanh nghiệp đang làm thủ tục điều chỉnh lại giá cước.

Về giá vé dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, các doanh nghiệp áp dụng mức phụ thu từ 40-60% giá vé.

Để thuận tiện hơn cho hành khách không phải xếp hàng dài mua vé như mọi năm, Bến xe miền Đông đã phối hợp với Công ty cổ phần Pasoto.com bán vé xe trực tuyến tại địa chỉ pasoto.com cho các chuyến do Bến xe miền Đông chỉ định.

Theo ông Thượng Thanh Hải, dự kiến lượng hành khách qua Bến xe miền Đông dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 không tăng so với năm trước, ngày cao điểm có thể đạt tới 51.000-52.000 khách/ngày. Hiện có 32 doanh nghiệp tự bán vé trước với số vé được bán gần 34.000 vé.

Từ ngày 1 tháng Chạp âm lịch, Bến xe miền Đông mới bán vé Tết đi tuyến về miền Trung. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, Bến xe miền Đông cam kết sẽ không để xảy ra chuyện thiếu xe, đồng thời tổ chức thêm bốn chuyến về các tỉnh miền Trung trong ngày 30 Tết.

Tương tự, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe miền Tây, cho biết vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải đến làm việc với các nhà xe chưa kê khai giảm giá cước theo giá giảm xăng dầu. Trên cơ sở đó, tính đến nay đã có 29 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động tại bến kê khai giảm giá cước từ 2-4%. Về giá vé dịp Tết Nguyên đán 2016, các doanh nghiệp áp dụng mức phụ thu 20-40% các chặng về các tỉnh miền Tây.

Trong khi đó, theo một số nhà xe, họ đang làm hồ sơ điều chỉnh giá nộp lên Sở Tài chính Thành phố. Ông Hồ Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, cho biết đã nộp hồ sơ điều chỉnh giá (dự kiến giảm từ 300 đồng/km) lên Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải Thành phố. Nếu được hai sở nói trên thông qua thì thứ hai tuần tới sẽ áp dụng giảm giá cước.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh vận tải hành khách, ông Thượng Thanh Hải cho biết từ đầu năm 2010 đến nay đã có khoảng 1.000 xe bỏ bến xe miền Đông ra ngoài hoạt động. Nguyên nhân là do hành khách có tâm lý ngại ra bến, gọi điện cho nhà xe để xe đến tận nơi đưa rước.

Các doanh nghiệp rút hết xe ra bến để tránh sự kiểm soát giá, tiến tới tăng giá bán. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, các nhà xe đăng ký trong bến sẽ thua thiệt. Đơn cử, giá vé về Quảng Ngãi tại bến xe miền Đông khoảng 500.0000 đồng/người/chuyến thì vé bên ngoài bến được đẩy lên 700.000-800.000 đồng/người/chuyến.

Điều này dẫn đến việc hình thành bến cóc xe dù, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Ngay tại trung tâm quận 1, trên tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ hay đường Mai Chí Thọ, quận 2, có nhiều nhà xe hoạt động chui dưới vỏ bọc xe du lịch, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. Mặt khác, khi hành khách đi xe dù tại bến cóc sẽ không có vé, nếu xảy ra sự cố sẽ không có bảo hiểm cũng như đảm bảo đến an toàn tính mạng, tài sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục