Trong số 16 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện ngày 10/4 có một nhân vật đặc biệt là cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier. Cựu chính trị gia có nhiều tình cảm với Việt Nam đã kể lại những gì trải qua với mình trong 30 ngày nhiều biến cố, nhưng cũng chan chứa tình người vừa qua.
Cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier đáp máy bay xuống Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 12/3. Một chuyến bay bình thường như hàng trăm chuyến khứ hồi Việt Nam-Pháp mà ông từng thực hiện từ năm 2008 tới nay.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch COVID-19 lan rộng khắp toàn thế giới, nhà ngoại giao người Pháp lần này, cho dù không hề có triệu chứng nào, vẫn phải khai báo y tế và tiến hành các thủ tục kiểm tra thân nhiệt trước khi nhập cảnh. Khi đó, chưa có bất cứ yêu cầu cách ly cũng như kiểm tra y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ nước ngoài.
Ngày 17/3, chính phủ Việt Nam yêu cầu tất cả những hành khách từ Pháp tới các cơ sở y tế để khai báo và kiểm tra sức khỏe. Ngày 20/3, sau khi hoàn tất kiểm tra sức khỏe, cựu đại sứ Pháp bắt đầu thực hiện cách ly tại nhà riêng.
Thế nhưng, đêm 24/3, ông nhận được thông báo dương tính với virus SARS-CoV-2 sau 3 lần xét nghiệm. Ông trở thành bệnh nhân số 148 tại Việt Nam.
“Tôi thực sự rất sốc!” ông Jean-Noël Poirier nhớ lại khi cầm trong tay tờ kết quả xét nghiệm. Hai nhân viên y tế đã ngay lập tức tới nhà và đưa ông tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội ngay trong đêm.
“Tôi không hề lo lắng về sức khỏe của mình. Điều tôi nghĩ tới đầu tiên, đó là sức khỏe của những người mà tôi từng tiếp xúc trong những ngày trước đó, khi mà họ giờ đây cũng có thể đã nhiễm bệnh và phải chịu sự cách ly tập trung,” ông kể lại.
Những kỷ niệm khó quên
Nhà ngoại giao người Pháp được đưa vào phòng cách ly điều trị cùng 4-5 bệnh nhân khác. Cuộc sống tại bệnh viện dĩ nhiên đã thay đổi hoàn toàn nhịp sống của ông khỉ chỉ quanh quẩn với “các thủ tục y tế, trao đổi với các bác sỹ và ăn uống.”
[Thêm 17 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam được công bố khỏi bệnh]
Các nguyên tắc trong bệnh viện đều được tuân thủ nghiêm ngặt bởi tất cả mọi người, bao gồm cả các bác sỹ. Các xét nghiệm được thực hiện 3 ngày/lần, nhằm giúp bệnh nhân “nắm rõ được tiến triển của bệnh trong cơ thể mình… Các bác sỹ luôn yêu cầu hạn chế tối đa việc ra khỏi phòng, nhằm tránh lây nhiễm chéo từ các nhân viên y tế. Vậy nên phải thu xếp thời gian cá nhân một cách vô cùng khoa học,” ông Jean-Noël Poirier cho biết.
Dần dần thì vị cựu đại sứ Pháp cũng đã tự thiết lập cho mình một thời gian biểu riêng: sáng đọc sách ít nhất 1 tiếng, còn chiều thì nghiên cứu thông tin trên báo chí Việt Nam, tập thể thao khoảng 30 phút vào lúc 17h00 và xem phim vào buổi tối.
Nhà ngoại giao cũng bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào các phương pháp điều trị chống COVID-19 tại Việt Nam. Theo ông, các bác sỹ Việt Nam đã tuân thủ phác đồ điều trị một cách “rất nghiêm túc” và “nhìn chung rất hợp lý đối với tình hình thực tế.” Hơn nữa, việc tổ chức của bệnh viện khiến ông cảm thấy “tất cả mọi người đều nắm rõ tình hình dịch bệnh” “cho dù rõ ràng dịch bệnh này là chưa từng có.”
Trải nghiệm đặc biệt
Ngày 10/4, gần một tháng kể từ ngày trở về Việt Nam, Jean-Noël Poirier cuối cùng đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. 17 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương rõ ràng là những kỷ niệm khó quên đối với ông.
“Trách nhiệm của các y bác sỹ đối với công việc thực sự đáng ngưỡng mộ. Các bác sỹ, y tá đều có tinh thần như thể đang ra trận thời chiến vậy. Ai cũng làm việc 7/7 ngày mà không thấy chút nghỉ ngơi. Họ cũng không màng tới thời gian làm việc nữa. Nhiều người tôi thấy đã phải ngủ lại ngay tại bệnh viện. Tôi xin gửi tới họ những lời cám ơn và động viên sâu sắc nhất cho những cố gắng và cả sự dũng cảm của họ. Người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về đội ngũ y tế của mình,” nhà ngoại giao người Pháp chia sẻ.
Jean-Noël Poirier sẽ phải tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày cùng với theo dõi sức khỏe bắt buộc. Một nhịp sống mới không hề khiến ông lo lắng, khi ông cũng đang hào hứng trải nghiệm cảm giác thanh bình của Hà Nội:
“Tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc nhằm tận dụng tối đa quãng thời gian này. Tôi dậy sớm lúc 7h sáng, tranh thủ làm nhiều việc, đọc sách tối thiểu 1 tiếng mỗi ngày, tập thể thao trong vòng 40 phút và ăn uống lành mạnh. Tôi bỗng tìm lại được niềm vui khi vào bếp giống như những ngày trước kia khi ở Pháp. Trong quãng thời gian như thế này, những thú vui nhỏ đó lại trở nên rất ý nghĩa,” ông nhấn mạnh.
Như vậy, số ca khỏi bệnh COVID-19 ở Việt Nam tính đến 15 giờ chiều 17/4 là 198/268 trường hợp, chiếm 73%. Trước đó, cùng ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trong chiều 17/4 sẽ có thêm 17 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây được công bố khỏi bệnh. Đó là các bệnh nhân có mã: BN108; BN128; BN133; BN139; BN169; BN172; BN173; BN174; BN183; BN191; BN213; BN217; BN219; BN221; BN223; BN242; BN251. |