Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 22/1, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã tuyên bố không tranh cử tổng thống, kết thúc sự ứng cử của ông 2 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu tại Quốc hội, đồng thời loại bỏ một trở ngại đối với các cuộc đàm phán giữa các đảng trước cuộc bỏ phiếu.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo cánh hữu, ông Berlusconi nói: “Tôi đã quyết định thực hiện một bước nữa trên con đường thực hiện trách nhiệm dân tộc, yêu cầu những người đề xuất từ bỏ việc đưa tên tôi vào danh sách ứng cử viên tổng thống. Ngày nay, Italy đang cần sự đoàn kết. Tôi sẽ tiếp tục phục vụ đất nước theo những cách khác."
Liên minh cực hữu đã đề nghị ông Berlusconi tranh cử tổng thống, song ông dường như không thể thành công do những khó khăn trong việc tập hợp sự ủng hộ rộng rãi của hơn 1.000 đại cử tri, gồm các nghị sỹ của hai viện Quốc hội và đại diện vùng.
Ông Berlusconi là một nhân vật gây chia rẽ cao tại Italy và phe trung tả đã loại trừ việc ủng hộ ông.
Việc Thủ tướng Mario Draghi được bầu làm tổng thống đang được xem là kết quả có nhiều khả năng xảy ra nhất, song người ta vẫn chưa rõ liệu các đảng ủng hộ liên minh cầm quyền của ông có ủng hộ ông hay không vì lo ngại sự ra đi của ông có thể kích hoạt một cuộc bầu cử quốc gia sớm.
[Thủ tướng Italy Mario Draghi đề cập khả năng trở thành tổng thống]
Trong tuyên bố trên, ông Berlusconi cho biết ông muốn cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Chính phủ cho đến khi nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp hiện nay kết thúc vào năm 2023.
Bằng cách đó, Chính phủ của ông Draghi có thể thực hiện các cải cách hệ thống thuế, tư pháp và hành chính công, những việc được hứa hẹn đổi lại hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Liên minh châu Âu.
Ông Berlusconi cho biết ông sẽ làm việc với thủ lĩnh Matteo Salvini của đảng cánh hữu Liên đoàn và ông Giorgia Meloni của đảng cực hữu Anh em Italy để thống nhất một cái tên có thể tìm được "sự đồng thuận rộng rãi" trong Quốc hội.
Tổng thống Italy có nhiều nhiệm vụ mang tính nghi lễ, song cũng chịu trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị, khiến chức vụ này trở nên quan trọng tại một quốc gia mà các chính phủ chỉ tồn tại được trung bình một năm.
Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín của Quốc hội cần giành được 2/3 số phiếu trong 3 vòng bỏ phiếu đầu tiên. Sau đó, từ vòng thứ tư họ chỉ cần giành đa số tuyệt đối là 505 phiếu.
Cả khối trung hữu lẫn trung tả hiện đều không có đủ phiếu bầu để áp đặt một ứng cử viên từ phe của họ, điều có nghĩa là cần phải có một số thỏa hiệp để ngăn chặn tình trạng bế tắc kéo dài./.