Cựu Tổng thống Bush: Sự bất công và nỗi sợ hãi đang bóp nghẹt đất nước

Cựu tổng thống Mỹ cho rằng đã đến lúc người Mỹ phải nhận ra "sự vi phạm lặp đi lặp lại" tới các quyền lợi của người Mỹ da màu, những người đã không nhận được "phản ứng khẩn cấp từ các tổ chức ở Mỹ."
Cựu Tổng thống Bush: Sự bất công và nỗi sợ hãi đang bóp nghẹt đất nước ảnh 1Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush. (Nguồn: Reuters)

"Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy sự thực về những gì mà nước Mỹ cần bằng cách quan sát thông qua con mắt của những người bị đe đọa, đàn áp và tước quyền công dân," vị tổng thống thứ 43 của Mỹ phát biểu.

Hôm 2/6, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã có bài phát biểu về sự việc George Floyd bị cảnh sát giết hại.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mình không có ý định chỉ ra rằng nước Mỹ nên xử lý vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống bằng cách nào.

Thay vào đó, trong bài đăng trên trang web của khu phức hợp George. W. Bush Presidential Center, ông cho rằng đã đến lúc người Mỹ phải nhận ra "sự vi phạm lặp đi lặp lại" tới các quyền lợi của người Mỹ da màu, những người đã không nhận được "phản ứng khẩn cấp và phù hợp từ các tổ chức ở Mỹ."

"Laura và tôi cảm thấy xót xa trước sự việc George Floyd bị đè ép đến ngạt thở một cách tàn bạo, và lo lắng bởi sự bất công và nỗi sợ hãi đang bóp nghẹt đất nước của chúng ta. Tuy vậy, chúng tôi đã kìm chế mong muốn lên tiếng, bởi đây không phải là lúc cho chúng ta thuyết giảng. Đây là lúc mà chúng ta phải lắng nghe.”

"Đã đến lúc nước Mỹ phải nhìn nhận lại những thất bại bi thảm của mình - và trong quá trình đó, chúng ta cũng sẽ nhìn ra được một số điểm mạnh có tính cứu chuộc."

Vị tổng thống thứ 43 cũng lưu ý rằng: "Việc nhiều người Mỹ gốc Phi, nhất là nam giới người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi, bị quấy rối và đe dọa tại chính đất nước của mình, là một sự thất bại không thể chấp nhận được."

[Ông Obama kêu gọi cải cách tư pháp sau cái chết của George Floyd]

Sau bài luận của ông Barack Obama hôm 1/6 vừa rồi, ông Bush là vị cựu tổng thống thứ hai lên tiếng trước sự việc George Floyd, một người Mỹ da màu 46 tuổi tử vong hồi tuần trước sau khi bị Derek Chauvin, một sỹ quan cảnh sát người da trắng tại Minneapolis chẹt đầu gối vào cổ suốt gần 9 phút trong tình trạng bị còng tay và đè xuống mặt đường.

Đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ Floyd do nghi ngờ anh dùng một tờ 20 USD giả cho thấy Floyd liên tục nói với các cảnh sát đứng quanh đó rằng anh không thở được.

Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc biểu tình và náo động trên toàn nước Mỹ về bất công chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát.

Trong bài phát biểu của mình, ông Bush cũng nói thêm rằng các cuộc biểu tình ôn hòa, khi được bảo vệ bởi lực lượng thực thi pháp luật có trách nhiệm, "sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn."

Sau đó, cũng chính ông Bush, người được tờ New York Times lưu ý là chưa hề đưa ra tuyên bố công khai nào chống lại sự tàn bạo của cảnh sát trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, nói rằng cái chết của Floyd, một trong "một chuỗi những bi kịch tương tự," đã làm dấy lên câu hỏi về cách nước Mỹ chấm dứt hiện tượng phân biệt chủng tộc có hệ thống.

"Cách duy nhất để nhìn thấy con người thực sự của chúng ta là lắng nghe những người đang bị tổn thương và đau đớn. Những kẻ tìm cách không cho những người đó lên tiếng không hiểu được ý nghĩa của nước Mỹ - hay bằng cách nào mà nó trở thành một nơi tốt đẹp hơn," ông Bush nói.

Ông Bush thừa nhận rằng thách thức lớn nhất của nước Mỹ "từ lâu vẫn là việc đoàn kết những người có nguồn gốc rất khác nhau trở thành một quốc gia duy nhất của công lý và cơ hội."

Ông nói thêm: "Học thuyết và những thói quen về sự vượt trội chủng tộc, từng suýt chút nữa chia cắt đất nước, vẫn đang đe dọa chúng ta" và thừa nhận rằng "chúng ta đã luôn đánh giá thấp tính triệt để của nhiệm vụ này, và cách những nguyên tắc quý báu của chúng ta thách thức các hệ thống bất công có chủ đích hoặc tương tự như vậy."

Vị cựu tổng thống sau đó đã nhắc đến những danh nhân nước Mỹ như Frederick Douglass, Harriet Tubman, Abraham Lincoln và Martin Luther King Jr. và gọi họ là những "anh hùng của sự đoàn kết," đồng thời thừa nhận những hành động của họ "phơi bày sự cố chấp và lợi dụng đáng lo ngại của đất nước chúng ta - những vết nhơ bản sắc mà đôi khi đa số người Mỹ khó nhìn ra."

Tuy vậy, ông cũng nói: "Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy sự thực về những gì mà nước Mỹ cần bằng cách quan sát thông qua con mắt của những người bị đe đọa, đàn áp và tước quyền công dân."

Mặc dù ông Bush chưa bao giờ nhắc đến tài hùng biện bốc lửa của tổng thống Donald Trump, ông có thừa nhận rằng "nhiều người có lý do chính đáng để nghi ngờ công lý ở đất nước chúng ta."

"Người da màu đang chứng kiến việc các quyền lợi của họ bị xâm phạm mà không có sự phản ứng khẩn cấp và phù hợp từ các cơ quan tại Mỹ."

Cựu Tổng thống Bush: Sự bất công và nỗi sợ hãi đang bóp nghẹt đất nước ảnh 2Cảnh sát được triển khai để ngăn người biểu tình quá khích trong cuộc tuần hành phản đối hành vi của cảnh sát dẫn đến cái chết của người da màu George Floyd, tại New York, Mỹ ngày 1/6/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ông Bush nói rằng: "Công lý dài lâu chỉ đến thông qua những cách thức hòa bình," và nói thêm rằng "cướp bóc không phải là sự giải phóng, và phá hủy không phải là sự tiến bộ."

Theo ông, hòa bình lâu dài chỉ có thể đến từ công lý thực sự bình đẳng.

"Nhà nước pháp quyền đến cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự công bằng và tính hợp pháp của hệ thống pháp lý. Và đạt được công lý cho tất cả chính là nhiệm vụ của tất cả chúng ta."

Ông Bush nói rằng để điều đó xảy ra, cần "sự nỗ lực thống nhất, can đảm và sáng tạo," và rằng người Mỹ cần thấu hiểu những trải nghiệm của những người hàng xóm của họ và "đối xử với họ một cách công bằng, chở che và nhân ái."

Ông cho biết nếu người Mỹ có sự đồng cảm, chia sẻ cam kết, hành động táo bạo, và "sự hòa bình bắt nguồn từ công lý, tôi tin rằng cùng nhau, người dân Mỹ sẽ chọn con đường tốt hơn."

Mặc dù nhiều người cho rằng tuyên bố của ông Bush "đầy tính cộng hưởng và mạnh mẽ" và đại diện cho "phong cách lãnh đạo mà chúng ta cần," nhưng cũng cần lưu ý rằng cách ông đối diện với các vấn đề chủng tộc trong quá khứ cũng có nhiều tranh cãi.

Năm 2015, Politico đã chấm điểm "C-” cho cách ông Bush xử lý các vấn đề chủng tộc, điểm cao cho sự đa dạng chính quyền và tiếp cận quốc tế, điểm F cho tiếp cận trong nước, điểm D cho vấn đề việc làm và thất nghiệp, và điểm C- cho "lời xin lỗi và bồi thường cho cộng đồng người da màu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục