Đã có 137 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được đăng kiểm

Theo thông tin tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, đã có 137 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được đăng kiểm.
Đã có 137 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được đăng kiểm ảnh 1Đóng tàu công suất lớn tại Hợp tác xã đóng - sửa tàu thuyền Cổ Lũy (thành phố Quảng Ngãi). (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN phát)

Đã có 137 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được đăng kiểm.

Đó là thông tin được ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cho biết tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.

Cụ thể, có 87 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đã được đăng kiểm; trong đó nghề lưới rê 39 tàu, 21 tàu làm nghề chụp, 14 tàu làm nghề lưới vây, 13 tàu dịch vụ hậu cần; 3 tàu vỏ composite; 47 tàu vỏ gỗ. Ngoài ra cũng có 177 tàu vỏ gỗ đóng mới được đăng kiểm nhưng ngoài Nghị định 67.

Cũng theo ông Đào Hồng Đức, Trung tâm đã tổ chức tốt việc đăng kiểm tàu cá theo đúng quy trình, quy chuẩn, quy phạm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Trung tâm chú trọng đến công tác thẩm duyệt cũng như đăng kiểm khối tàu cá vỏ thép, vỏ composite, vỏ gỗ có công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67.

Tính đến 15/12, Trung tâm đã thực hiện đăng kiểm được 806 tàu, tăng 453 tàu so với năm 2014. Tổng thu phí, lệ phí đăng kiểm gần 2,8 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với năm 2014.

Với số tàu được đăng kiểm trên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lo ngại, tình trạng “đăng kiểm trên giấy” khi so sánh lực lượng cán bộ của Trung tâm với số tàu được đăng kiểm và tàu cá lại trải dài từ Bắc tới Nam. Năm 2015, tổng biên chế của Trung tâm là 16 người và 12 lao động hợp đồng.

Trả lời về vấn đề này, ông Đào Hồng Đức cho biết, khối lượng tàu đăng kiểm tăng trong đó có số lượng tàu kiểm tra kỹ thuật hàng năm cao và tàu vỏ thép.

Tàu vỏ thép có thuận lợi là tập trung ở các nhà máy và số lượng nhà máy này ở trên cả nước không nhiều, tập trung ở một số địa phương như Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... do đó không phải mỗi lần đăng kiểm chỉ đăng kiểm một tàu.

Bên cạnh đó, Trung tâm hình thành được các Tổ công tác đăng kiểm tàu cá tại các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre.

Đây là nền tảng cơ bản cho việc xây dựng và hình thành, đưa vào hoạt động các Trung tâm đăng kiểm vùng sau này.

Tuy nhiên, với việc Trung tâm đăng kiểm “kêu than” vẫn còn thiếu cán bộ. Với tổng số biên chế được giao và số lượng hợp đồng như vậy là quá ít chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao, đặc biệt là số lượng tàu đóng mới vỏ thép, vật liệu mới theo Nghị định 67 tăng nhiều trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Trung tâm phải chỉ ra được trung bình mỗi năm phải đăng kiểm bao nhiêu tàu.

Một đội đăng kiểm gồm ít nhất bao nhiêu đăng kiểm viên và đội đó một năm có thể đăng kiểm được bao nhiêu tàu có như vậy mới tính được Trung tâm đang thực sự thiếu bao nhiêu cán bộ.

Theo ông NguyễnViết Mạnh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, cần xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá.

Các trung tâm đăng kiểm vùng cần gắn với các Trung tâm nghề cá lớn sẽ được xây dựng, đồng thời phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng, đăng kiểm tàu cá là lĩnh vực cần được xã hội hóa. Tàu thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải xã hội hóa đăng kiểm được thì không có lý do gì tàu cá không xã hội hóa đăng kiểm được.

Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc phải nghiên cứu mô hình này, Trung tâm phải chỉ ra được những đơn vị có khả năng đào tạo đăng kiểm viên, theo đó xây dựng điều kiện được đào tạo đăng kiểm viên, đồng thời tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành giáo trình đào tạo đăng kiểm viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục