Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách

Theo báo cáo nhanh, đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng chỉ sau 2 ngày Quyết định số 22 chính thức có hiệu lực.
Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách ảnh 1Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều ngày 12/10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Theo báo cáo nhanh, đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng chỉ sau hai ngày Quyết định số 22 chính thức có hiệu lực.

Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương, có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền 138 tỷ đồng.

[Điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn là gì]

Trước khi Quyết định số 22 có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đơn cử như tại tỉnh Bạc Liêu, nơi triển khai nhanh chính sách nhân văn này cho người hoàn lương. Bà Hữu Thị Thê ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu có người con trai đã chấp hành xong án phạt tù, được thông báo đến Ngân hàng Chính sách xã hội để nhận tiền vay, bà rất vui mừng, phấn khởi vì đã có vốn để tiếp tục đầu tư cho mô hình sản xuất của gia đình.

“Với số vốn này, về nhà tôi sẽ cải tạo ao nuôi tôm để phát triển kinh tế gia đình,” bà Hữu Thị Thê tâm sự.

Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách ảnh 2Lãi suất cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng ngay trong những ngày đầu tiên chính sách này bắt đầu có hiệu lực, tại Điểm giao dịch xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, ông Lương Thanh Hồng dẫn theo con trai Lương Hoài Ân (33 tuổi), ở khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên hoàn tất thủ tục và nhận về khoản vay 100 triệu đồng từ chính sách này. Anh Lương Hoài Ân cũng là một trong những người đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh được giải ngân nguồn vốn vay này.

Ông Hồng xúc động cho biết Hoài Ân đã trải qua khoảng thời gian lầm lỡ của cuộc đời. Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, Hoài Ân chí thú làm ăn, phụ quán ăn cùng vợ con. Khi chính sách vay theo Quyết định số 22 được triển khai, gia đình ông Hồng cùng Hoài Ân như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy trong cuộc sống tương lai.

Quyết định số 22 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/8/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10. Đối tượng vay vốn gồm người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách ảnh 3Ông Lương Thanh Hồng (đứng bên trái) nhận nguồn vốn giải ngân theo Quyết định 22 tại Điểm giao dịch xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. (Nguồn: TTXVN)

Quyết định nêu rõ điều kiện vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù và có phương án vay vốn.

Mục đích sử dụng vốn vay dành cho chi phí việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với người chấp hành xong án phạt tù, phương thức cho vay được thực hiện thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp.

Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục