Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp một theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đa dạng sách giáo khoa là một bước tiến quan trọng, nhưng để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp và thực hiện chọn sách một cách công tâm, minh bạch, vì quyền lợi học sinh cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Trường hay ủy ban nhân dân tỉnh chọn sách giáo khoa?
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ, việc lựa chọn sách giáo khoa là thẩm quyền của mỗi nhà trường.
Cụ thể, tại Điều 2, khoản 3, mục g của Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại Điều 1, điểm d, khoản 3 nêu rõ: “Việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của nhà trường, và được thực hiện công khai, minh bạch, căn cứ điều kiện thực tiễn và có tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh.”
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2019, quyền chọn sách giáo khoa lại thuộc về ủy ban nhân dân tỉnh. Điều 32, khoản 1 của Luật Giáo dục quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
[Công bố 32 bản sách giáo khoa lớp 1 áp dụng từ năm học 2020-2021]
Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh, việc lựa chọn sách giáo khoa nên trao quyền cho các nhà trường theo Nghị quyết 88. Cô Thảo cho rằng, ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chung về mặt hành chính trong khi chọn sách giáo khoa để dạy trong các nhà trường lại là việc có tính chuyên môn.
“Khi giao cho các nhà trường, hiệu trưởng sẽ là người ra quyết định chọn sách nhưng nên trên cơ sở ý kiến đề xuất từ các giáo viên, tổ chuyên môn,” cô Thảo đề xuất.
Cũng theo cô Thảo, ở mỗi địa phương sẽ có sự khác nhau về trình độ học sinh theo từng khu vực. Vì vậy, có nên có các bộ sách khác nhau để phù hợp với các đối tượng hoc sinh khác nhau. “Ví dụ học sinh trường Trần Đại Nghĩa về mặt bằng chất lượng khác với học sinh khu vực Nhà Bè, hoặc ở nhiều địa phương có khu vực miền núi và đồng bằng cũng khác nhau trình độ học sinh và cần có sách khác nhau,” cô Thảo phân tích.
Giáo viên là lực lượng nòng cốt chọn sách giáo khoa
Trả lời tại buổi họp báo chiều qua, ngày 22/11, Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật giáo dục nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định và công bố các sách giáo khoa đạt yêu cầu, còn việc lựa chọn thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập hội đồng lựa chọn sách, có trách nhiệm trong việc lựa chọn sách công khai, minh bạch.
Cũng theo ông Thành, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn dự thảo thông tư về lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, các địa phương sẽ phải thành lập hội đồng để lựa chọn sách. Hội đồng này quy định gồm 15 thành viên, trong đó tối thiểu 2/3 thành viên là giáo viên từ các trường khác nhau. Các thành viên hội đồng sẽ tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường mình cũng như trong cộng đồng giáo viên ở địa phương, ý kiến của phụ huynh, học sinh. Khi có 3/4 ý thành viên hội đồng đồng ý thì sách mới được lựa chọn.
[Tranh cãi quanh việc thẩm định sách giáo khoa công nghệ lớp 1]
“Ủy ban nhân dân tỉnh phải có biện pháp đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi lựa chọn sách,” ông Thành nói.
Chia sẻ góc nhìn từ thực tế cơ sở, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, các sách giáo khoa đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nên đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ khác nhau về cách tiếp cận. Tuy nhiên, nếu để cho các trường tự chọn sách giáo khoa riêng với rất nhiều sách khác nhau sẽ dẫn đến việc khó trong công tác chỉ đạo chung của địa phương.
Vì thế, ông Thành cho rằng, Luật Giáo dục quy định ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định lựa chọn sách là phù hợp, để tạo sự thống nhất nhất định. “Nhưng điều này cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết 88 của Quốc hội hay Quyết định 404 của Chính phủ vì ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra quyết định, còn người chọn sách thực sự chính là các giáo viên khi có đến 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là giáo viên, là tiếng nói thực tiễn từ cơ sở,” ông Thành phân tích.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, một địa phương có thể chọn nhiều hơn một bộ sách để phù hợp với đặc điểm học sinh từng khu vực.
“Ví dụ tại Nghệ An, có sự chênh lệch giữa giáo dục miền xuôi và miền núi, với mục tiêu giáo dục khác nhau. Trong khi giáo dục miền xuôi đặt yêu cầu phải đổi mới, sáng tạo thì giáo dục miền núi chỉ cần đạt hiệu quả giáo dục. Theo đó, ở Nghệ An ít nhất phải có hai bộ sách cho hai nhóm đối tượng học sinh khác nhau,” ông Thành nói./.