Đa dạng sinh học rừng đang lâm nguy trên toàn cầu

Đa dạng sinh học rừng đang bị lâm nguy do tốc độ mất rừng, suy thoái và diện tích rừng nguyên thủy giảm quá nhanh trên thế giới.
Nghiên cứu “Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu” được Liên hợp quốc công bố ngày 5/10 cảnh báo đa dạng sinh học rừng đang bị lâm nguy trên phạm vi toàn cầu do tốc độ mất rừng, suy thoái rừng và diện tích rừng nguyên thủy giảm quá nhanh trên thế giới.

Nghiên cứu này của Liên hợp quốc được coi là đánh giá toàn diện nhất về hiện trạng rừng trên thế giới. Trong thời gian từ năm 2000-2010, mỗi năm diện tích rừng bị chuyển đổi thành diện tích đất nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác, hoặc bị mất do các nguyên nhân tự nhiên đã giảm từ 16 triệu hécta trong những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn 13 triệu hécta.

Diện tích rừng nguyên thủy toàn cầu với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú nhất về các loài sinh vật, với khoảng 1,4 tỷ hécta, chiếm 36% tổng diện tích rừng toàn cầu, cũng giảm trung bình hàng năm hơn 40 triệu hécta, với tốc độ 0,4% mỗi năm. Khu vực Nam Mỹ bị mất rừng nguyên thủy lớn nhất, sau đó là châu Phi và châu Á.

Nghiên cứu trên chỉ rõ các mối đe dọa khác đối với đa dạng sinh học rừng là do việc quản lý rừng không bền vững, biến đổi khí hậu, cháy rừng, thảm họa tự nhiên, dịch bệnh và do sự phá hoại của các loài côn trùng và các sinh vật xâm thực.

Liên hợp quốc còn cảnh báo hiện trạng săn bắn vì mục tiêu thương mại do nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố cũng đang đẩy nhiều loài vật hoang dã tới nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không thực hiện những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Liên hợp quốc kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ nhằm bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững đa dạng sinh học các diện tích rừng sản xuất, đặc biệt ở các khu rừng nhượng quyền sử dụng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng hoan nghênh các biện pháp đang được thực hiện ở nhiều nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Hiện diện tích rừng được khoanh vùng trở thành các khu bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu đã tăng hơn 95 triệu hécta kể từ năm 1990, trong đó hơn 46% được khoanh vùng trong thời kỳ 2000-2005.

Hơn 460 triệu hécta, chiếm 12% tổng diện tích rừng nguyên thủy, đã được khoanh vùng để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đất và nguồn nước hoặc bảo tồn các di sản văn hóa. Các diện tích rừng được khoanh vùng thành khu bảo tồn đa dạng sinh học, công viên quốc gia, khu vực hoang dã… được bảo vệ bằng luật pháp.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc là kết quả của bốn năm nghiên cứu, tập hợp trên 900 chuyên gia về rừng của 178 nước và dựa trên cơ sở dữ liệu rừng của 233 nước và khu vực trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục