Đà Nẵng khuyến cáo không nên tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm

Đà Nẵng khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm và gây ra tâm lý hoang mang không đáng có.
Đà Nẵng khuyến cáo không nên tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm ảnh 1Người dân gặp khó khăn được hỗ trợ nhiều loại lương thực, thực phẩm như gạo, rau củ quả, sữa, trứng, dầu, nước mắm. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Từ 12 giờ trưa 22/7, thành phố Đà Nẵng áp dụng thêm một số biện pháp mạnh hơn trong phòng, chống dịch nên tối ngày 21/7 và sáng 22/7, một số bộ phận người dân thành phố tập trung mua hàng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu tại các siêu thị, chợ.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm và gây ra tâm lý hoang mang không đáng có.

Ngoài ra, vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh, việc tập trung đông người, mua sắm tại một thời điểm sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung của toàn thành phố.

[Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19]

Sáng 22/7, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo nhanh gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về tình hình dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo, tình hình thị trường Đà Nẵng trong đầu tháng 7/2021 nhìn chung giữ mức ổn định.

Lượng hàng hóa cung ứng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vẫn dồi dào, phong phú, đa dạng, giá cả không có biến động, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các mặt hàng hóa lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm cung ứng và dự trữ bình thường, không biến động; nhóm hàng rau, thực phẩm khô và tươi sống là những mặt hàng được người dân mua nhiều, lượng khách đến chợ ít và không có tình trạng tranh nhau mua hàng dự trữ.

Cụ thể, lượng thịt lợn tươi cung cấp cho Đà Nẵng có tổng số lượng khoảng 70 tấn/ngày.

Về mặt hàng gạo, hiện tại thành phố có khoảng 54 đại lý, cửa hàng cung ứng và hệ thống các siêu thị với khả năng cung ứng khoảng 1.300 tấn/ngày.

Mặt hàng mỳ tôm hiện được cung cấp khoảng 1,5 triệu gói/ngày, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng người dân thành phố.

Mặt hàng rau củ quả có tổng nguồn cung hiện nay khoảng gần 400 tấn/ngày. Về trứng gà, các doanh nghiệp trong thành phố cung ứng sản lượng cố định khoảng 30.000-40.000 quả/ngày; ngoài ra, còn 1 số nguồn từ các tỉnh, thành khác  như Bình Định, Quảng Nam, các tỉnh phía Bắc với sản lượng 200.000 quả/ngày...

Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, từ 12 giờ trưa 22/7, thành phố Đà Nẵng sẽ áp dụng thêm một số biện pháp mạnh hơn trong phòng, chống dịch nên tối ngày 21/7 và sáng 22/7, một số bộ phận người dân thành phố tập trung mua hàng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu tại các siêu thị, chợ.

Các siêu thị, chợ đã thực hiện các biện pháp đảm bảo giãn cách cho khách hàng; đồng thời, thông báo trên loa phát thanh khuyến nghị người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào một chủng loại hàng hóa. Điều này tạo nên sự sụt giảm tức thời của một số mặt hàng.

Tại các siêu thị Big C, Coopmart, Mega Market... lượng khách hàng tăng đột biến từ 30-50% so với ngày thường nhưng được hướng dẫn xếp hàng giãn cách, không có tình trạng chen lấn, ùn ứ.

Hàng hóa chủ yếu là rau củ quả, thịt cá, mỳ tôm, gạo, đồ hộp, sữa, hàng đông lạnh, dầu ăn, nước chấm, gia vị, nước uống, khẩu trang, giấy vệ sinh...

Tại các chợ, người dân đi chợ tăng hơn so với ngày thường từ 20-30%, chủ yếu mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị đến ngày rằm, nhưng lượng tăng không đáng kể so với khi chưa xảy ra dịch; các Ban quản lý chợ vẫn đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, tần suất đi chợ 3 ngày/lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục