Đà Nẵng lấy ý kiến người dân, du khách về xe đạp công cộng thông minh

Giai đoạn đầu, Đà Nẵng dự kiến đầu tư khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm có 5-10 xe tùy vào nhu cầu, ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt.
Đà Nẵng lấy ý kiến người dân, du khách về xe đạp công cộng thông minh ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân và du khách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí phát thải và giảm lượng tiêu thụ xăng dầu cho toàn thành phố, Đà Nẵng đang lấy ý kiến người dân và du khách về dự án phát triển xe đạp công cộng thông minh.

Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, dân số, đời sống và thu nhập của người dân là sự gia tăng các vấn đề đô thị như nhu cầu đi lại, số lượng phương tiện cá nhân, tình trạng ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm cũng như tình trạng vi phạm đậu đỗ trên nhiều tuyến đường.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hệ thống giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã nghiên cứu dự án Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng. Cụ thể hơn, lấy ý kiến người dân và du khách được thu thập để phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng xe đạp và lộ trình mong muốn.

Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã đưa ra biểu mẫu để người dân và du khách tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung biểu mẫu gồm một số vấn đề như thông tin khách hàng và nhu cầu sử dụng; lộ trình mong muốn di chuyển; phương thức thanh toán; chất lượng dịch vụ và ý kiến góp ý.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết, theo dự kiến, thời gian lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng. Sau khi đủ số lượng biểu mẫu, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng sẽ xem xét, cân nhắc và trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt triển khai dự án.

[Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019: Đội pháo hoa Phần Lan vô địch]

Đà Nẵng được biết đến là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, du lịch lớn nhất của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Tuy nhiên cùng với những thành quả đạt được, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, du lịch tăng mạnh dẫn đến mật độ dân số không ngừng tăng kéo theo các vấn đề về liên quan như vấn đề về môi trường và giao thông…

Theo dự báo của các chuyên gia giao thông, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao (ôtô tăng bình quân 12%/ năm và xe máy 10,5%/ năm), giai đoạn 2016-2020 tại Đà Nẵng sẽ xuất hiện ùn tắc giao thông và sẽ gia tăng nhanh chóng sau năm 2020; đồng thời, sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thành phố không có các chính sách phát triển, quản lý giao thông bền vững.

Cùng với các giải pháp phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, kiểm soát hạn chế sự gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đang xúc tiến nghiên cứu dự án Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố nhằm cung cấp một loại hình giao thông giá rẻ và thuận tiện, tăng tính kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận xe buýt được thuận lợi hơn, dần thay thế thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để di chuyển, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí phát thải và giảm lượng tiêu thụ xăng dầu cho toàn thành phố.

Giai đoạn đầu, Đà Nẵng dự kiến đầu tư khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 5-10 xe tùy thuộc vào nhu cầu dự kiến, ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống viễn thông công cộng, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn thành phố và khu vực đông dân cư.

Các trục đường ưu tiên đặt điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục